Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

15/07/2015 00:00

(TN&MT) - Là quốc gia có trên 70% dân số có sinh kế liên quan đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản, kể cả dịch vụ công nghiệp và thương mại… đều phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm khí tượng, thủy văn. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam phải chứng kiến nhiều sự thay đổi quy luật theo mùa của các yếu tố cực đoan như bão tố, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… đang có xu thế gia tăng. Điều đó đặt ra cho các cấp quản lý yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Vẫn còn tình trạng sử dụng nước lãng phí

Theo PGS.Tiến sỹ Lê Anh Tuấn – ĐH Cần Thơ: Mặc dù có nhiều thách thức về nguồn nước, đặc biệt trong bối cảnh có những biểu hiện ngày càng bất thường của thiên tai, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng Việt Nam còn sử dụng chưa thật hợp lý nguồn tài nguyên này. Nông nghiệp sử dụng 70 – 90% lượng nước nhưng nước cho nông nghiệp phần lớn không phải trả tiền và không xác định lượng sử dụng, dẫn đến sự lãng phí và kém hiệu quả.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng trong những năm gần đây

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng

trong những năm gần đây

Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong các chương trình cấp nước nông thôn, nhưng còn đến 36 triệu người dân nông thôn không tiếp cận đủ tiêu chuẩn, 40 triệu người không tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cho sức khỏe. Thủy điện đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới điện quốc gia, giúp điều hòa nguồn nước nếu được sử dụng theo hướng đa mục tiêu, nhưng việc phát triển không bền vững thủy điện đang là gia tăng mâu thuẫn các nhu cầu sử dụng nước, đe dọa an ninh nước. Hiện đã có rất nhiều biện pháp mà các nhà khoa học nêu ra bảo vệ lưu vực sông theo cách tiếp cận tổng hợp đa ngành như đảm bảo dòng chảy tối thiểu môi trường, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác vật liệu trên hệ thống sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc hợp lý các dự án thủy điện, cầu cảng, chuyển dòng chảy.

Cộng đồng – chủ nhân đích thực bảo vệ nguồn nước

Theo Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, điều quan trong nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. Cộng đồng dân cư sống trong lưu vực, thông qua đại diện của các tổ chức xã hội dân sự đích thực của họ, phải có quyền và kinh nghiệm phản biện trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sống. Không một cơ quan chính quyền hay tổ chức khoa học nào có thể phục hồi sự trong sạch của các dòng sông bắt nguồn từ chính những hành động có ý thức của người dân. Các dự án khai thác và xả thải vào nguồn nước phải minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ran gay từ khi chuẩn bị thực hiện. Các dự án này phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, thậm chí cá nhân liên quan như là một quy trình pháp lý và là một việc tự nhiên của thể chế dân chủ hóa cơ sở.

Chuyên gia tài nguyên cho biết, các hiện tượng thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước. Mặc dù Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách quản lý nước phù hợp với từng giai đoạn và Bộ TN&MT cũng đã ban hành nhiều công văn và chỉ thị hướng dẫn nhưng việc triển khai lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương chưa được tiến triển nhiều do các tỉnh còn lúng túng trong việc triển khai. Một số địa phương chưa thành lập được Ủy ban lưu vực sông, nhận thức và hiểu biết về mối quan hệ tài nguyên nước và biến đổi khí hậu chỉ ở mức thông tin chung chung, chưa xác định phương pháp và công cụ thực hiện phù hợp.

Cần quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp

Ông Lê Anh Tuấn đề xuất các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp phối với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể. Cần có những định hướng của quy hoạch tài nguyên nước với thời gian ít nhất 10 năm hoặc xa hơn nữa từ 20 – 50 năm, đặc biệt là các vùng trọng điểm kinh tế xã hội nên có tầm nhìn đến 100 năm. Trong đó cần có quy định các tiêu chuẩn của phát triển xanh, điều này không phải đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực trong đó có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng người và các tổ chức xã hội dân sự. “Đây phải là một chủ trương nhất quán và mục tiêu tổng quát trong mọi kế hoạch chiến lược, quy hoạch phát triển và các dự án tăng trưởng kinh tế xã hội. Bảo vệ sự trong lành của các dòng sông không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước” – Tiến sỹ Lê Anh Tuấn nói.

Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO