'Doanh nghiệp cùng dân khóc': Vì sao lãnh đạo ở Thái Bình né tránh?

18/08/2017 00:00

(TN&MT) - Câu chuyện "doanh nghiệp và người dân cùng khóc" được lãnh đạo tại Thái Bình nói rằng "đã xong". Tuy nhiên "xong" như thế nào, phóng viên nhiều lần...

(TN&MT) - Câu chuyện "doanh nghiệp và người dân cùng khóc" được lãnh đạo tại Thái Bình nói rằng "đã xong". Tuy nhiên "xong" như thế nào, phóng viên nhiều lần liên hệ nhưng những vị lãnh đạo có trách nhiệm đều im lặng.
 
Theo tìm hiểu của PV, mới đây, người dân ở Thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình đã đồng ý với giải pháp bồi thường hỗ trợ việc thu hồi ruộng đất phục vụ dự án Cụm Công nghiệp Đồng Tu hơn 10 năm trước mà chính quyền vừa đưa ra. Theo người dân, số tiền mà họ được hỗ trợ khoảng 12,5 triệu đồng/sào.
 
Trước đó, 61 hộ dân đã bao vây các công ty, nhà máy tại KCN Đồng Tu nhằm gây sức ép, yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết chế độ hỗ trợ đất đai liên quan đến việc thu hồi phục vụ dự án hơn 10 năm trước. 
 
Sau hơn 10 ngày bao vây doanh nghiệp, những người dân đã đồng ý mở vòng vây cho doanh nghiệp khi lãnh đạo chính quyền địa phương xuống hiện trường và thống nhất hỗ trợ tiền cho người dân. 
 
Trước đó, người dân Đồng Tu yêu cầu hỗ trợ 1,5 triệu đồng/m2 nhưng không được xem xét. Theo một người dân, họ đã quá mệt mỏi với việc khiếu nại đòi quyền lợi kéo dài. Vì vậy, họ đồng ý với mức hỗ trợ mà lãnh đạo huyện đưa ra. Cũng theo thông tin được đưa ra, kinh phí hỗ trợ người dân tổng cộng khoảng 1,2 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đóng góp.
 
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tuấn (GĐ Công ty Trần Tuấn) cho hay, vào thời gian bị người dân bao vây, ông nhận được một cuộc gọi từ doanh nghiệp khác thông báo rằng, UBND huyện Hưng Hà đề nghị các doanh nghiệp góp tiền để hỗ trợ nhân dân không đòi hỏi và không bắt buộc doanh nghiệp nào. Đến nay ông chưa thấy UBND huyện thu khoản tiền đóng góp nào cho việc hỗ trợ người dân. Phóng viên hỏi khoản tiền này lấy từ đâu, ông Tuấn lắc đầu.
 
Trước đó người dân đã dựng lều căng bạt chặn cổng không cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
Trước đó, người dân đã dựng lều căng bạt chặn cổng không cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
 
Trong khi chưa thấy cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình làm rõ trách nhiệm trong việc thu hồi đất hơn 10 năm trước, chúng tôi liên hệ làm việc thì lãnh đạo các cấp ở đây tỏ ra "né tránh"?!
 
Chúng tôi đã rất nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin cho ông Nguyễn Thanh Tuyền (Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà) nhưng ông chủ tịch không hề nhấc máy. Những lần chúng tôi đến liên hệ trực tiếp tại trụ sở, người đứng đầu UBND huyện cũng không ở nhà, người bảo vệ cho biết lãnh đạo đi họp. 
 
Thông tin cuối cùng chúng tôi nhận được từ ông Nguyễn Văn Trường (Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà) là việc xác nhận người dân đã đồng ý mức hỗ trợ kinh phí và nguồn tiền lấy từ doanh nghiệp. Cụ thể ra sao thì không thấy ông Trường nói gì thêm.
 
Trả lời qua điện thoại, ông Đỗ Văn Bình (Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà) chỉ nói ngắn gọn rằng "liên hệ với thị trấn". Phóng viên báo Tài Nguyên & Môi trường đã nhiều lần đến UBND thị trấn Hưng Hà liên hệ làm việc. Tuy nhiên, lần 1, ông Nguyễn Duy Hiền (Phó Chủ tịch UBND) yêu cầu đăng ký lịch làm việc. Lần sau quay lại, phóng viên lại được ông Hiền trả lời là sự việc "đã xong". Khi chúng tôi hỏi "đã xong" là thế nào, ông Hiền tiếp tục yêu cầu đăng ký lịch làm việc với văn phòng. Liên hệ với ông Nguyễn Hữu Huân (Chủ tịch UBND), phóng viên được trả lời là đang bận họp. Từ đó đến nay, UBND thị trấn Hưng Hà vẫn chưa có phản hồi nào.
 
Sau nhiều lần liên hệ UBND tỉnh Thái Bình, phóng viên được 1 cán bộ phòng hành chính cung cấp văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh với nội dung: "UBND tỉnh nhận được đơn của doanh nghiệp và báo cáo của UBND huyện Hưng Hà. UBND tỉnh chuyển UBND huyện Hưng Hà giải quyết vụ việc trên bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn." 
 
Phóng viên đề nghị được cung cấp thêm thông tin, cán bộ văn phòng nói rằng phải liên hệ xuống huyện. PV nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Văn Ca (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) nhưng đều vô vọng. Lần đầu tiên và duy nhất ông Ca nhấc máy: chúng tôi vừa xưng là phóng viên, ông Ca lập tức báo bận hội nghị và dập máy. Sử dụng 1 số điện thoại khác liên hệ, ông Ca nhấc máy và trả lời "đã giải quyết xong" rồi lại dập máy. Từ đó, vị lãnh đạo tỉnh không bao giờ trả lời điện thoại của chúng tôi nữa.
 
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Thái Bình, Cụm Công nghiệp Đồng Tu được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định ngày 28/12/2006. Chính quyền địa phương đã thỏa thuận thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB cho người dân ở đây.
 
Theo thỏa thuận, các hộ dân nhận một lần số tiền tương ứng với số tiền đền bù tính trên 70% diện tích đất bị thu hồi, 30% còn lại được trả bằng 100kg thóc/sào/năm của diện tích đất còn lại. Theo Sở TNMT, Việc trả nhận tiền được ký xác nhận đầy đủ. Tính đến tháng 2/2016, UBND thị trấn Hưng Hà xác nhận đã trả đủ tiền theo thỏa thuận cho các gia đình, cá nhân.
 
Nếu cơ quan chức năng tại Thái Bình ngày đó làm đúng, tại sao người dân Đồng Tu lại khiếu nại đòi quyền lợi? Tại sao nay chính quyền lại đồng ý hỗ trợ tiếp số tiền nói trên cho người dân? Nguồn kinh phí này lấy từ đâu? Trách nhiệm của cá nhân tập thể trong vụ việc này thế nào?
 
Đó là những câu hỏi mà phóng viên cố gắng tìm hiểu. Nhưng đến nay, lãnh đạo các cấp tại tỉnh Thái Bình vẫn không trả lời.
 
Năm 2003, UBND tỉnh Thái Bình quyết định thành lập KCN Đồng Tu. Nhiều doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình cho thuê đất với thời hạn 30 năm để xây dựng nhà máy phục vụ sản xuất kinh doanh từ đó đến nay. Khu đất này được tỉnh thu hồi từ đất nông nghiệp của các gia đình tại địa phương.  
 
Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, nhiều gia đình đã lên tiếng cho rằng doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất và đất này vẫn là của người dân. Họ nói rằng, vào năm 2003, lãnh đạo tỉnh đã về địa phương và thống nhất chủ trương chỉ lấy đất của dân cho thuê trong vòng 10 năm chứ không hề có quyết định thu hồi đất. Theo đó, họ chỉ nhận được tiền bồi thường hoa màu hơn 7 triệu đồng/1 sào. Như vậy hết năm 2013 đất này lại thuộc về người dân. Nhà nước phải trả lại đất cho họ hoặc phải hỗ trợ, bồi thường. 
 
Người dân khẳng định hồi đó không thấy có quyết định thu hồi nào mà chỉ là thuê đất. Họ còn đưa ra một số biên lai, hóa đơn thể hiện về việc họ được hỗ trợ tiền thuê đất.
 
Thái Bảo - Doãn Hưng - Quyết Thắng - Gia Đạt

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Doanh nghiệp cùng dân khóc': Vì sao lãnh đạo ở Thái Bình né tránh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO