Doanh nghiệp cần chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng

Hoàng Ngân| 02/07/2020 18:31

(TN&MT) - Chiều 2/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID-19.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn được tổ chức nhằm phân tích, dự báo xu hướng thị trường trong bối cảnh hậu COVID -19, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng nay (2/7), dự báo tình hình COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam còn lún sâu trong khủng hoảng do vậy việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng.

“Mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,7% - tăng khá thấp nhưng con số này vẫn được xem là mức cao ở Châu Á. Việt Nam đã tạm thời kiểm soát thành công dịch COVID-19 và bước vào giai đoạn phát triển nhưng cũng chưa đựng nhiều rủi ro và bất định. Do đó, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phải đặt trên bối cảnh như vậy”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ thêm.

Theo Ts. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng về cả tổng cung và tổng cầu. Việc các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu dùng toàn cầu bị ngừng trệ. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng làm thay đổi hành vi, nhu cầu tiêu dùng của các khách hàng, dịch bệnh lây lan khiến người tiêu dùng ít đếm các cữa hàng, nhà hàng, hạn chế đi du lịch, tham gia các lễ hội.

"Khả năng phục hồi nề kinh tế sẽ tùy thuộc theo từng ngành/lĩnh vực, triển vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc 3 điều kiện: khả năng kiểm soát dịch, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế" - Ts. Cấn Văn Lực cho hay.

Quang cảnh Diễn đàn

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, để xây dựng chiến lược cần phải nắm bắt được tầm nhìn, xác định mục tiêu và kịch bản thị trường, nhiệm vụ chiến lược, nội dung, chính sách, công cụ xử lý và đánh giá tác động; từ đó tìm ra lựa chọn thích hợp nhất. Cũng nhờ đó chúng ta sẽ có phương thức thực thi một cách khoa học, linh hoạt và thiết thực nhất.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, tại diễn đàn các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược, cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai.

Tham luận tại Diễn đàn với chủ đề “Tái định hình doanh nghiệp để phát triển bền vững: Chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí”, ông Hoàng Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, cần thiết phải chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt.

Theo ông Hùng, có 4 bài học hữu ích từ các cuộc khủng hoảng trước đây cần được cập nhật để thích ứng với những biến đổi không ngừng từ đại dịch. Đó là sự thay đổi dài hạn trong thói quen của người tiêu dùng; môi trường kinh doanh đầy biến động và chứa nhiều yếu tố chưa rõ ràng; sự thay đổi trong tính chất công việc; suy giảm niềm tin vào doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO