Doanh nghiệp bất động sản mong muốn được giải tỏa nguồn vốn

Thùy Linh| 19/02/2020 05:14

(TN&MT) - Tại Hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản được tổ chức sáng 18/2, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều mong muốn được Chính phủ tháo gỡ khó khan về nguồn vốn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, TGĐ Eurowindow Holding nêu ý kiến: "Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh tình trạng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng. Từ góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn".

Về bất động sản nói chung, những kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại rất khó để có thể thực hiện bởi những đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản, giao dịch bất động sản trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý.

Siết tín dụng bất động sản khiến thị trường trì trệ.

"Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Mong rằng, VNREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này", bà Chi cho biết.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC chia sẻ, trong quá trình hoạt động, FLC nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính. Về nguồn vốn, theo bà Dung gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường BĐS đã kết thúc từ năm 2016, hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn mong chờ những nguồn vốn hỗ trợ mới, gói tín dụng mới để giúp thị trường bình ổn.

Về pháp lý, đại diện FLC cho rằng có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

"Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp", bà Dung khẳng định.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN chia sẻ: Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Xây dựng khảo sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản, tiến tới buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, để lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trước thông tin này, Bộ Xây dựng có kế hoạch lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tại 5 thị trường lớn tiêu biểu. Đồng hành cùng Bộ Xây dựng, VNREA đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc thị trường phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện khiến thị trường có dấu hiệu trì trệ. VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp các kiến nghị tại Hội nghị hôm nay để gửi lên Thủ tướng.

Lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần phải phân biệt rõ hai vấn đề, một là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản và hai là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà cụ thể là nhà ở xã hội.

"Thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nên đề nghị các doanh nghiệp cần phải kiến nghị rõ, điều nào, khoản nào trong các quy định đang gây khó khăn cho thị trường thì Bộ Xây dựng mới có thể căn cứ vào đó để tập hợp và nêu ý kiến. Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề doanh nghiệp nêu ý kiến về khó khăn trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường. Với vấn đề nhà ở xã hội, đúng là việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều các kiến nghị lên Chính phủ. Sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp đã nêu để tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo Bộ Xây dựng", ông Ninh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản mong muốn được giải tỏa nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO