(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Ba Lan, đại diện đoàn đàm phán của Việt Nam đã tham gia nhiều cuộc họp bên lề và thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong nỗ lực chung ứng phó BĐKH.
Tại cuộc họp về đồng lợi ích trong ứng phó BĐKH, đại diện đoàn Việt Nam cùng với đại biểu Đức, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi đã thảo luận về các ưu tiên chiến lược của các nước, cách thức để kết nối các đồng lợi ích vào báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, làm thế nào để lồng ghép được nội dung này vào các dự thảo đàm phán và liên kết với các nhóm thực hiện. Về phía Việt Nam đã khởi động rà soát và cập nhật NDC với hai hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam mong muốn tăng cường các biện pháp liên kết giữa hai hợp phần này và và đang đánh giá tác động tổng hợp, đồng lợi ích của các biện pháp được lựa chọn để nộp lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH vào năm 2019.
Tại Hội thảo về chủ đề liên quan đến nông nghiệp, Nhóm Nông nghiệp (KJWA) đã lựa chọn một số vấn đề đưa vào dự thảo để trình Ban thư ký Hội nghị COP 24 xem xét, trong đó có các hoạt động và việc chia sẻ thông tin giữa các Cơ quan thuộc Công ước (Constituted Bodies). Các Bên yêu cầu Ban Thư ký hệ thống lại các hoạt động của các Cơ quan thuộc Công ước và các cơ chế tài chính (GEF, GCF, Quỹ thích ứng, LDCF, SCCF) làm cơ sở triển khai các giải pháp đã được xác định tại 5 Hội thảo kỹ thuật trước đây. Nội dung này sẽ được tiếp tục xem xét tại phiên họp lần thứ 50 của Ban Bổ trợ thực hiện (SBI) và Ban Bổ trợ Khoa học Công nghệ (SBSTA) sau này. SBI/ SBSTA khuyến khích các Cơ quan thuộc Công ước và các cơ chế tài chính tiếp tục tham gia các hoạt động/Hội thảo sắp tới trong khuôn khổ Khung hợp tác Kronivia về nông nghiệp KJWA theo lộ trình đã được xác định.
Về Đối thoại Talanoa (còn được gọi là Đối thoại đánh giá nỗ lực toàn cầu), các Bên ủng hộ thiết kế Đối thoại xoay quanh việc trả lời 3 câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu; chúng ta sẽ đi đâu; và làm thế nào để chúng ta tới được đích. Mục tiêu của Đối thoại là hướng tới xác định rõ những thiếu hụt về nỗ lực giảm nhẹ trước và sau 2020; thiếu hụt về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước ứng phó với BĐKH.
Tại phiên họp tổng kết Đối thoại Talanoa giai đoạn chuẩn bị, báo cáo tổng kết cho thấy, Đối thoại Talanoa năm 2018, có sự tham gia của nhiều bên có liên quan và có 305 “câu chuyện” đã được trình bày tại phiên Talanoa được tổ chức vào tháng 5/2018. Quan điểm của các Bên về kết quả Đối thoại Talanoa tại COP24 cũng khác nhau. Maldives đại diện cho các quốc gia đảo nhỏ kêu gọi cần có quyết định và tuyên bố chính trị nhằm tăng cường kỳ vọng đối với rà soát, cập nhật NDC vào năm 2020. Trong khi đó EU mong muốn kết quả của Đối thoại cần có các cam kết chính trị để rà soát lại sự phù hợp, xem xét sự cần thiết tăng cường kỳ vọng. Nhiều nước cho rằng cần có quyết định của COP24 về sử dụng kết quả của Đối thoại Talanoa để thúc đẩy tiến trình rà soát, cập nhật NDC. Botswana - đại diện các nước Châu Phi gợi ý kết luận cần kêu gọi tăng cường kỳ vọng, trong khi Nauy đề xuất các tiến trình cần thực hiện sau COP 24.
Trong cuộc họp này, Việt Nam đã phát biểu đánh giá cao nỗ lực của Fiji và việc tổ chức Đối thoại Talanoa. Việt Nam đề nghị COP24 ghi nhận báo cáo Talanoa, kêu gọi các quốc gia, tuỳ điều kiện cụ thể, tiến hành rà sót, cập nhật NDC theo quy định tại đoạn 24 quyết định số 1/CP-21. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện rà soát cập nhật NDC của mình theo đúng quyết định của COP21 và sẽ hoàn thành vào 2019. Tại phiên họp toàn thể sáng 6/12, đại diện Việt Nam đã khẳng định lại tuyên bố này trước toàn thể Hội nghị.