Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Lai Châu

22/09/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 22/9, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Lai Châu về tình hình thực hiện công tác di dân TĐC dự án thủy điện Lai Châu và việc thực hiện chính sách pháp luật về khí tượng thủy văn. Về phía tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo tỉnh, một số sở ngành và lãnh đạo Ban Quản lý thủy điện Lai Châu.

Theo báo cáo UBND tỉnh Lai Châu về kết quả thực hiện dự án bồi thường, di dân TĐC thủy điện Lai Châu đến nay, tổng số hộ phải di chuyển thực tế phải di chuyển là gần 2.000 hộ với trên 8.000 khẩu, tăng so với quy hoạch tổng thể 233 hộ với 591 khẩu. Trong đó TĐC tập trung 8 khu, 17 điểm. Đã giao đất ở cho 1.817 hộ đạt 100% và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân. Đồng bào TĐC  đã ổn định cuộc sống, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng chí Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc
Ông Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc

Về thực hiện chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn, hàng năm UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra các hoạt động khí tượng thủy văn; quản lý khai thác, sử dụng thông tin, tư liệu khí tượng thủy văn trong chiến lược quy hoạch. Mặt khác lập và quy hoạch mạng lưới công trình khí tượng thủy văn tuân thủ đúng quy chế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trạm khí tượng Tam Đường, Sìn Hồ, Than uyên và Mường Tè, 4 trạm thủy văn và 8 điểm đo mưa nhân dân. Các công trình khí tượng thủy văn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Công tác thu nhận thông tin tài liệu để phục vụ dự báo khí tượng thủy văn và cung cấp tin phục vụ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đối với Lai Châu, địa hình chia cắt mạnh, số trạm khí tượng thủy văn không nhiều, việc dự báo, cảnh báo KTTV đến các tiểu khu vực nhưng không có số liệu gặp rất nhiều khó khăn. Chưa có quy định cụ thể về chế độ quan trắc, đo đạc đối với các trạm thủy văn bị ảnh hưởng do các công trình thủy điện, thủy lợi. Việc thực hiện chính sách pháp luật về khí tượng thủy văn hiện còn nhiều bất cập, văn bản có tính pháp lý cao nhất về lĩnh vực khí tượng thủy văn là Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn được ban hành đã lâu, Nghị định và hướng dẫn thi hành văn bản chưa đầy đủ.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cũng kiến nghị với đoàn có ý kiến với Quốc hội sớm ban hành Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành; quan tâm đầu từ xây dựng các trạm khí tượng thủy văn tại các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Nậm Hàng, Mường Tè. Tiếp tục ban hành các văn bản quy định và tăng cường tổ chức, bộ máy, hướng dẫn rõ số lượng biên chế cho các trạm khó khăn ở vùng sâu vùng xa, thực hiện công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tại địa phương.

Kết luận buổi làm việc, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng đoàn công tác đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu đã cố gắng trong thời gian qua. Một số khó khăn của địa phương đưa ra đã được đoàn giải đáp và nêu một số phương án tháo gỡ, những vấn đề ngoài thẩm quyền, đoàn đã tổng hợp để trình các cấp có thẩm quyền và trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới./.

                                                                                                Minh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Lai Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO