Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát và làm việc tại Bình Dương về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

28/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 27/9, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật Đo đạc và Bản đồ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017),...

 

(TN&MT) - Ngày 27/9, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật Đo đạc và Bản đồ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), đoàn công tác của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dẫn đầu và bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chuyến đi khảo sát và làm việc với tỉnh Bình Dương. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cùng đại diện các Sở ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Ngọc – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã có báo cáo những nét chính về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của UBND tỉnh Bình Dương; việc ban hành các văn bản pháp luật về đo đạc và bản đồ cụ thể, chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đo đạc và bản đồ, góp phần đưa công tác này dần đi vào nề nếp và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Ông Phạm Xuân Ngọc – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương báo cáo tại buổi làm việc
Ông Phạm Xuân Ngọc – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương báo cáo tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ địa chính số đã phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai như giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, làm bản đồ nền để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất các cấp. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đất đai cũng đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, chính xác hơn.

Có thể nói, việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục về đo đạc và bản đồ. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Dương đã có văn bản góp ý cho dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Theo đó, Bình Dương đã đề xuất thay đổi một số nội dung liên quan đến viễn thám; việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính; việc cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ cho cá nhân… vào dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi các nội dung của dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ tại buổi làm việc
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi các nội dung của dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ tại buổi làm việc

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay:  Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến đóng góp và ghi nhận các đề xuất của các Bộ ngành… và của các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương cho dự thảo Luật Đo đạt và Bản đồ. Bộ Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan chủ trị soạn thảo cũng đã tiếp thu và giải trình các ý kiến và các đề xuất này để hoàn thiện dự thảo Luật Đo đạt và Bản đồ để trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Luật Đo đạt và Bản đồ có ý nghĩa  rất quan trọng. Vì vậy, Ủy ban sẽ tiếp tục thẩm tra nội dung của dự thảo Luật và xem xét, có thể thay đổi một số nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đặt biệt, Luật này phải rõ ràng và minh bạch hơn với cách tiếp cận theo tư duy mới, hiện đại của công cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới. Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Luật Đo đạt và Bản đồ để khi sang năm ban hành Luật này có thể tiếp cận xã hội hiện đại và văn minh nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng và ý nghĩa của hoạt động đo đạc và bản đồ đối với sự phát triển kinh tế, chính trị xã hội nên UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên chỉ đạo cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đưa hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp và trở thành một trong số những tỉnh đi đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc thiếu Luật Đo đạc và Bản đồ là một trong những tồn tại khiến địa phương gặp khá nhiều khó khăn. Qua buổi làm việc hôm nay, đã giúp Bình Dương hiểu rõ hơn về các chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ để khi Luật Đo đạc và Bản đồ được ban hành, Bình Dương sẽ triển khai áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát và làm việc tại Bình Dương về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO