Đô thị phát triển tự phát: Lãng phí tài nguyên đất

11/11/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước 400 chuyên gia quy hoạch, kiến trúc trong và ngoài nước

(TN&MT) - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước 400 chuyên gia quy hoạch, kiến trúc trong và ngoài nước tại Đại hội lần thứ IV, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội.
   
Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh
   
  Theo Báo cáo của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nước ta đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Nếu như năm 2000 tỷ lệ đô thị hóa chỉ mới ở mức 24,2% với dân số 18,7 triệu người thì đến cuối năm 2013, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đã tăng lên 33,47% và dân số đã ở mức xấp xỉ 30 triệu người.
   
   
Phát triển đô thị theo đúng quy hoạch vừa đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường vừa ứng phó với biến đổi khí hậu.
   
  Sau 25 năm đổi mới, hệ thống đô thị cả nước đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Số đô thị cuối năm 2011 là 731 đô thị thì chỉ trong 3 năm (cuối 2013) đã tăng thêm 39 đô thị mới, nâng tổng số đô thị cả nước lên đến con số 770. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 là 38% với 780 đô thị và 35 triệu dân, đến năm 2050, con số này sẽ là tỷ lệ đô thị hóa 50% với 1.000 đô thị và tổng sức chứa là 52 triệu dân.
   
  Nhờ sự phát triển của hệ thống đô thị, tỷ lệ người dân được tiếp cận hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như cấp nước, cấp điện, chiếu sang, thu gom xử lý rác thải… ngày càng gia tăng. Các công trình dịch vụ công cộng đô thị ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng dần dần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
   
  Về công tác quy hoạch, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Đến nay, đã có 770/770 đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) được lập quy hoạch chung. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 13 quy hoạch vùng liên tỉnh; 63/63 tỉnh, thành đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh hoặc quy hoạch khu dân cư.
   
  Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cũng đã chỉ ra những yếu kém của hiện trạng đô thị Việt Nam. Có thể kể đến các tồn tại như: Tỷ lệ đường phố hiện đại ít; Tthiếu nhà ở và không gian công cộng; tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày một gia tăng; diện bao phủ dịch vụ công cộng tại các đô thị vừa và nhỏ còn thấp…
  Phát triển đô thị phải đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường
   
  Các nhà lập và quản lý quy hoạch đô thị cũng nhận thức rõ những tồn tại mang tính hệ thống, cần được quan tâm, giải quyết. GS.TS KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư  ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng việc phân loại, phân cấp và công tác nâng loại, nâng cấp hiện còn rập khuôn, mang tính hành chính chưa phát huy được tính đặc thù của đô thị tại các vùng miền. Hiện trên cả nước còn tồn tại nhiều đô thị có diện tích nội đô nhỏ hơn 10% diện tích toàn đô thị theo quy hoạch…”.
   
  Về nguyên nhân của những tồn tại trên, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức. “Bên cạnh đó, việc thiếu tầm nhìn chiến lược, chậm đổi mới cơ chế hành chính, tác động khó khăn của nền kinh tế… là những vấn đề cần theo dõi, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị” – KTS Đỗ Hậu nói.
   
  Trước số liệu mà những người làm quy hoạch cả nước đưa ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Muốn hạn chế những tồn tại trước hết phải đổi mới phương cách quản lý và phát triển đô thị. Làm sao phải vừa đảm bảo đô thị phát triển đúng theo quy hoạch vừa phải đảm bảo cho được tính bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, một vấn đề mới đặt ra cho phát triển đô thị hiện nay.
   
  Theo người đứng đầu ngành quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cả nước, để đô thị thực sự trở thành hạt nhân trong sự phát triển của mỗi địa phương nhất là trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mỗi địa phương... thì cần phải đẩy mạnh công tác phát triển đi đôi với quản lý thực hiện quy hoạch. “Mỗi cá nhân làm quy hoạch, mỗi chính quyền quản lý quy hoạch cần có trách nhiệm cao, nhận thức đúng, đặt vấn đề đúng trước khi hoàn thiện một đề án quy hoạch. Có quy hoạch tốt thì đô thị mới phát triển bền vững được. Ngoài ra, tôi cho rằng, không thể để đô thị phát triển theo kiểu tự phát gây lãng phí tài nguyên đất đai” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
   
Việt Hùng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị phát triển tự phát: Lãng phí tài nguyên đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO