DN chế biến thủy sản sẽ là hậu phương vững chắc cho ngư dân bám biển

06/05/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là tâm sự của ông Huỳnh Văn Phương - Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) khi trao đổi với Báo Điện tử TN&MT trước những thông tin cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển miền Trung.

Như mùa “lộc biển”

Miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng những ngày này đang như nước sôi lửa bỏng. Câu chuyện cá chết hàng loạt và ngư trường luôn được người dân quan tâm đặc biệt. Với ngư dân Đà Nẵng, biển như là quê hương của họ. Dọc dải miền Trung lê thê nắng cháy những ngày đầu hè, đâu đâu cũng bắt gặp những câu chuyện về mối lo ngại môi trường biển và nghề cá từ vỉa hè cho đến nghị trường.

“Ngoài việc thị trường nội địa đã dần phục hồi thì việc doanh nghiệp cam kết thu mua hải sản đã góp phần giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển” - ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết
“Ngoài việc thị trường nội địa đã dần phục hồi thì việc doanh nghiệp cam kết thu mua hải sản đã góp phần giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển” - ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết

Trên các cầu cảng số 2, số 3, rất nhiều tàu của Quảng Ngãi, Quảng Bình, Đà Nẵng khẩn trương bán cá. Ngư dân Nguyễn Kim, thuyền phó tàu QNg 94497 (Quảng Ngãi) cho biết, tàu ra khơi giữa tháng 4/2016 với 13 lao động làm nghề giã cào ở vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, anh em ngư dân cũng đã nghe thông tin cá chết tại Hà Tĩnh.Tại Đà Nẵng, không khí tại các bến cảng đã nhộn nhịp trở lại mấy ngày qua. Tàu cá ra vào liên tục, dưới khoang tàu đầy ắp cá, mực từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Có mặt tại bến cảng Đà Nẵng trong mấy ngày nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi các chủ đầu nậu và các thương lại cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy hải sản chen chúc nhau gom hàng.

“Gần 22 ngày đánh bắt, tàu thu về được 10 tấn hải sản, trong đó có 8 tấn cá ngừ. Lúc sáng, chúng tôi đã được Hợp tác xã (HTX) Hải Nhi thu mua một ít để tiêu thụ tại Đà Nẵng, số còn lại bán cho các nậu, tiểu thương. Về giá cả có thấp hơn trước chút đỉnh, nhưng trong giai đoạn này được như vậy, chúng tôi vui lắm rồi”, một ngư dân trên tàu QNg 94497 (Quảng Ngãi) cập cảng Đà Nẵng sáng nay nói.

Bên cạnh mạn tàu QNg 94497 (Quảng Ngãi), tàu ĐNa 90569 ghé vào cầu cảng số 2 để bán cá. Ngư dân Trần Hoàng Thanh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu kiêm thuyền trưởng cho biết rất lo lắng khi nhận được thông tin cá chết dọc biển miền Trung. Tuy nhiên, khi các chủ vựa mua các loại cá có giá trị với giá bình thường như mọi hôm, chỉ có những loại cá nhỏ là rẻ hơn, ngư dân cũng vui. “Tàu chở về được 8 tấn cá; trừ phí tổn chuyến biển, mỗi lao động cũng thu được 5 triệu đồng. Trong thời điểm này, được như vậy là trúng lắm rồi”, anh Thanh chia sẻ.

Theo Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, từ ba hôm nay, tính trung bình mỗi ngày có từ 30-40 tàu cập cảng bán cá. Những ngày bình thường thì nhiều hơn một chút. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các tàu về đợt này đều đánh bắt dài ngày ở các ngư trường lớn, trong đó chủ yếu là Hoàng Sa. Mỗi tàu mang về ít nhất 5 tấn, nhiều nhất đến 20 tấn hải sản. Điển hình như tàu QB 92222 mang về 16 tấn hải sản, tàu QB 93909 có 10 tấn…

Với ngư dân Đà Nẵng, biển như là quê hương của họ
Với ngư dân Đà Nẵng, biển như là quê hương của họ

Khi doanh nghiệp làm “hậu phương”

Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bắc Đẩu cho biết, trước khi thành phố có chủ trương thu mua hải sản của ngư dân, công ty tiến hành họp với hơn 30 đầu nậu, ngư dân để thông tin về một số tình hình; đồng thời yêu cầu ngư dân không đánh bắt ở các vùng biển nghi nhiễm độc tố cách đất liền từ 20 hải lý trở vào.

“Chúng tôi bảo đảm luôn thu mua hải sản của ngư dân theo giá thị trường và động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Trong mấy ngày ảnh hưởng từ vụ cá chết, doanh nghiệp vẫn thu mua bình thường nhưng không có đủ hàng để mua. Mấy ngày gần đây, ngư dân ra khơi và vào bờ nhiều hơn trước nên hải sản được công ty thu mua nhiều hơn”, ông Chín cho biết.

Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết thêm, thời gian qua, công ty vẫn thu mua hải sản của ngư dân bình thường. “Hải sản chúng tôi thu mua chủ yếu được ngư dân Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa rất an toàn và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng”, ông Giang nói.

Tàu cá ra vào liên tục, dưới khoang tàu đầy ắp cá, mực từ ngư trường Hoàng Sa trở về
Tàu cá ra vào liên tục, dưới khoang tàu đầy ắp cá, mực từ ngư trường Hoàng Sa trở về

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản ở Đà Nẵng đều ủng hộ và có nhiều chính sách để hỗ trợ cũng như tiêu thụ nguồn hải sản của ngư dân từ các ngư trường xa trở về. “Ngư dân hãy yên tâm ra khơi để đánh bắt hải sản, bởi ở đất liền có những hậu phương vững chắc để hỗ trợ”, ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Nhà máy Chế biến và xử lý phế thải hải sản nói với chúng tôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt tại các vùng biển an toàn với giá thị trường. “Ngoài việc thị trường nội địa đã dần phục hồi thì việc doanh nghiệp cam kết thu mua hải sản đã góp phần giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển” - ông Phương cho hay.

Bài & ảnh: Xuân Lam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
DN chế biến thủy sản sẽ là hậu phương vững chắc cho ngư dân bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO