Định giá nước - bài toán đa lợi ích

08/11/2016 00:00

(TN&MT) - Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, bước chuyển cơ chế từ "thủy lợi phí" sang "giá dịch vụ thủy lợi" được kỳ vọng sẽ khiến người dân nâng...

(TN&MT) - Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, bước chuyển cơ chế từ “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” được kỳ vọng sẽ khiến người dân nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước, giúp đơn vị quản lý khai thác có lợi nhuận và tạo động lực để cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác công trình thủy lợi.
 
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến nay, Việt Nam đã xây dựng 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô phục vụ 200 ha đất sản xuất nông nghiệp trở lên. Trong đó có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ từ 2.000 ha). Tổng năng lực tưới đảm bảo cho khoảng 90% diện tích đất canh tác, bao gồm khoảng 7 triệu ha đất trồng lúa (cả vụ Hè Thu, vụ Đông Xuân, vụ Mùa) và 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp; tạo nguồn cho 1,3 triệu ha, ngăn mặn cho 0,9 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha và tiêu nước cho hơn 1,7 triệu ha đất nông nghiệp. 
 
Ngoài ra, các hệ thống này còn cung cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp.
 
Định giá nước giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nước sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MH
Định giá nước giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nước sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MH
 
Nếu tính đúng, tính đủ, các chi phí để tính giá sẽ bao gồm các chi phí vận hành, duy tu sửa chữa, khấu hao và lợi nhuận. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nguồn thu của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) rất hạn hẹp, chủ yếu là thu thủy lợi phí nên các tổ chức này chỉ tập trung chi trả chi phí vận hành, và một phần nhỏ để duy tu bảo dưỡng. Như vậy, có sự mất cân đối giữa thu và chi, khiến hầu hết các đơn vị hoạt động trong tình trạng lỗ liên tiếp nhiều năm. Đơn cử như Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Sông Cầu (Bắc Giang), trung bình giai đoạn 2012 - 2014, mỗi năm số tiền lỗ bằng khoảng 7,3% tổng doanh thu. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cách xác định giá dịch vụ thủy lợi để đảm bảo sự biến động chi phí cho doanh nghiệp.
 
Thêm vào đó, với chính sách miễn giảm thủy lợi phí đã thực hiện từ nhiều năm nay, các đơn vị QLKTCTTL và người dử dụng dịch vụ gần như không có quan hệ về mặt tài chính, lợi ích. Họ cung cấp dịch vụ thủy lợi theo đặt hàng của Nhà nước, được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động nên hầu như không có động lực đổi mới quản lý, đầu tư nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, hạn chế thất thoát nước từ công trình đầu mối đến người sử dụng.
 
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đưa vấn đề chuyển từ cơ chế phí sang giá dịch vụ thủy lợi vào Dự thảo Luật Thủy lợi, nhằm tạo điều kiện để hoạt động thủy lợi nhanh chóng tiếp cận với cơ chế thị trường.  Dự thảo quy định về chính sách giá dịch vụ thủy lợi; nguyên tắc, căn cứ định giá; giá, thẩm quyền quyết định giá; dịch vụ; miễn giảm tiền sử dụng dịch vụ; nguồn tài chính trong cung cấp dịch vụ thủy lợi; quản lý và sử dụng nguồn thu từ cung cấp dịch vụ; định mức sử dụng nước, mua, bán, trao đổi quyền sử dụng nước từ công trình thủy lợi; phân chia nguồn thu dịch vụ thủy lợi giữa các chủ thể cùng tham gia quản lý, khai thác một hệ thống công trình thủy lợi…
 
Các chuyên gia kỳ vọng, một chính sách giá nước phù hợp phản ánh thực tế khan hiếm nước nghiêm trọng hiện nay sẽ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nước, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Mục đích là vừa không gây ra bất ổn lớn đối với người sử dụng nước, giảm dần gánh nặng trợ giá cho Ngân sách Nhà nước và phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
 
Khánh Ly
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định giá nước - bài toán đa lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO