Định cư nhưng chưa được an cư

21/09/2014 00:00

(TN&MT) - Một số hộ dân tái định cư của phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) vì không kiếm được việc làm phải bán, cho thuê lại nhà trở về quê cũ.

(TN&MT) - Nhận được thông tin một số hộ dân tái định cư của phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) vì không kiếm được việc làm, công việc làm thuê mướn, thu nhập bấp bênh không đủ sống… phải bán, cho thuê lại nhà trở về quê cũ, mua đất vào các khu vực nông thôn làm ăn. Chúng tôi về Noong Bua tìm hiểu thực hư sự việc.
   
  Chiều ngày 17/9, chúng tôi đến tổ dân phố 8, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ thì trời mưa như trút nước. Thật may mắn khi người đầu tiên hỏi thăm lại đúng là Tổ trưởng tổ dân phố 8, Hồ Sỹ Lai. Nhìn qua tổ dân phố 8, thấy “rặt” những nhà cao tầng nên chúng tôi nghĩ thông tin không chính xác. Sau lời giới thiệu mang băn khoăn, chúng tôi hỏi tổ trưởng dân phố 8, mới hay, khuất bên những nhà cao tầng là nhà cấp 4 của các hộ phi nông nghiệp, đa số cuộc sống bấp bênh phải làm thuê kiếm ăn từng ngày. Nhiều người xuống Hòa Bình, Sơn La và lên Lai Châu kiếm việc làm, nhà chỉ còn người già. Có hộ còn phải cho thuê lại nhà, mua đất vào các xã của huyện Điện Biên để làm nông nghiệp. Tổ dân phố 8 có 5 hộ bán nhà trở về quê cũ, mua nhà đến các nơi khác làm ăn, 1 hộ cho thuê lại nhà. Tổ có 79 hộ, gần 20 hộ phi nông nghiệp định cư (năm 2008 – 2009), các gia đình này trụ lại đều đi làm thuê. Nhiều gia đình làm ngày nào thì mới có tiền đong gạo, mua thức ăn ngày đó; nếu ốm đau, mưa gió, việc làm không ổn định thì không biết xoay sở ra sao?
   
  Trước đây, TP. đã thông báo cho các hộ phi nông nghiệp đăng ký học nghề: Sửa chữa xe máy, cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt… nhưng không ai học vì các nghề không phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều người e ngại học xong không tìm được việc làm, không có vốn đầu tư và đất để chăn nuôi, trồng trọt… nên họ đi làm: Phụ hồ, thợ xây, buôn bán lặt vặt...
   
Đây là một trong nhiều ngôi nhà của người dân tái định cư ở phường Noong Bua đã treo biển cho thuê.
   
  Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu một số hộ gia đình, ông Lai nhiệt tình chuẩn bị mũ nón đưa đi. Nhà đầu tiên chúng tôi đến nằm lọt thỏm bên trong, cạnh nhà cao tầng nhô ra mặt đường, chủ hộ là bà Điêu Thị Nghẻ. Ngôi nhà gỗ, tường đắp xi măng bong tróc hiện là nơi cư trú của 5 người: Con dâu, 3 cháu nội ngoại. Con gái hiện đang làm may thuê ở tỉnh Hòa Bình, con trai làm thuê ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Từ khi ở phường Sông Đà về định cư năm 2008, bà ở nhà chăm 2 cháu, con dâu rể đi làm thuê và chỉ một năm mới về đoàn tụ gia đình vào dịp tết. Trước đây, gia đình bà chỉ có 3 người, với số tiền hàng tháng các con gửi về 4 triệu đồng, tằn tiện cũng tạm đủ chi tiêu cho 3 bà cháu. Nay con dâu về sinh con thứ 2, nhà bà có thêm 2 thành viên nên cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó hơn. Chi tiêu ở thành phố đắt đỏ, đất chỉ đủ làm nhà nên mọi thứ đều phải ra chợ. Không như trước ở thị xã Mường Lay đất rộng nên nuôi được con gà, trồng luống rau, làm đậu bán. Bà Nghẻ nói với chúng tôi: Mong muốn các con có việc làm gần nhà, sớm tối còn bảo ban các cháu học, gần gũi tình cảm, bà nay 70 tuổi hay đau ốm nhưng việc làm ở Điện Biên không ổn định, thu nhập thấp nên các con bà phải đi làm ăn xa.
   
  Nhà thứ 2 chúng tôi đến là hộ gia đình anh Điêu Văn Phương. Hiện nay, 5 miệng ăn nhà anh chỉ trông vào tiền công làm thợ xây của anh nhưng công việc thất thường, tháng nào thu nhập cao mới được khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, chị đang nuôi con nhỏ, con gái thứ 2 đang học lớp 11. Gia đình đã nghèo lại gặp cảnh éo le, con gái đầu học xong lớp 12 lại đổ bệnh tâm thần. Anh Phương do công việc vất vả, suy nghĩ nhiều về con sức khỏe giảm sút nên thường xuyên phải nghỉ việc. Ra về từ nhà anh Phương, chúng tôi đều có chung suy nghĩ, 5 người mà chỉ trông chờ vào một người, thu nhập cao nhất ngày 200 nghìn đồng, không biết gia đình anh xoay sở cái ăn như thế nào? Có gạo để nấu ăn là may lắm rồi – lời ông tổ trưởng dân phố quả đúng như vậy.
   
Dù tuổi cao nhưng bà Điêu Thị Nghẻ vẫn phải chăm 3 cháu nội, ngoại để các con đi kiếm việc làm xa.
   
  Biết chúng tôi là nhà báo, ông Phạm Văn Nam đến như để giãi bày. Ông Nam cho rằng: Việc các hộ đi chỗ khác, nhất là đến những nơi nông thôn như vậy mới có thể sống được, ông minh chứng cho chúng tôi trường hợp gia đình chị Trần Thị Diệp, cho thuê nhà vào xã Thanh Luông mua nhà làm ruộng. Cuộc sống mới được đảm bảo, nếu cứ trụ lại, hàng ngày ra chợ Noong Bua buôn rau, thu nhập cao chỉ được 50 nghìn đồng. Một người sống đã khó, nói gì đến nuôi con ăn học. Mỗi tháng vợ ông được 2 triệu đồng tiền lương và ông thỉnh thoảng đi làm thêm, thu nhập gần bằng vợ nhưng chi phí đắt đỏ nên phải tằn tiện từng đồng. Ở tổ dân phố, các hộ phi nông nghiệp tuy đã định cư nhưng không thể an cư, phải bán nhà đi nơi khác sẽ còn tiếp diễn không tránh khỏi- ông Nam nói như nhận định.
   
  Chỉ qua một tổ dân phố, chúng tôi đã thấy cuộc sống người dân tái định cư phi nông nghiệp hết sức bấp bênh. Bởi họ đều không có nghề ổn định, nhưng thử hỏi nếu được học nghề thì cuộc sống của họ thay đổi hay không? Trong khi sự cạnh tranh nghề nghiệp, không có đồng vốn đầu tư và điều kiện thực hiện: Chăn nuôi, trồng trọt nên giờ họ phải chọn giải pháp làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ… Về lâu dài, để “an cư” cho các hộ phi nông nghiệp cần có chính sách phù hợp thực tế.
   
Bài, ảnh: Kiên Cường
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định cư nhưng chưa được an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO