Điện, xăng, than tăng giá: Thêm những nỗi lo

09/04/2019 12:32

(TN&MT) - Đầu tháng 4/2019, ngành điện thông báo tăng giá điện 8,36%, xăng cũng tăng thêm 1.484 đồng/lít, than cũng thông báo sẽ tăng giá tới đây. Cùng một lúc, giá của 3 mặt hàng quan trọng nhất đều tăng giá đã tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, ngay lập tức, giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu công bố tăng giá.

IMG 4963
Người dân lại phải đắn đo khi đi chợ. Ảnh: Hoàng Minh

Đại diện nhiều siêu thị tỏ ra lo lắng, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, vì không tránh khỏi các nhà cung cấp tăng giá bán. Giá điện, xăng tăng giá đồng loạt khiến siêu thị căng mình để “chống đỡ” việc tăng giá do chi phí đầu vào đội lên. Khi các nhà cung cấp thông báo tăng giá bán, việc các siêu thị buộc phải tăng giá theo.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, từ 1/4/2019, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của một số nhà cung cấp, tăng giá bán một số mặt hàng. Tuy vậy, đến 4/4/2019, giá bán tại siêu thị vẫn giữ ổn định, thậm chí, một số mặt hàng tươi sống đang có chương trình khuyến mại giảm sâu, trái cây có loại giảm tới 30%. Lý giải mức giảm này, bà Dung cho biết, giá tốt là do siêu thị thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân, đặc biệt là trái cây, rau củ, quả.

Theo bà Dung, giá điện tăng sẽ tác động tới hoạt động của siêu thị, tăng chi phí vận hành. Bởi miền Bắc mùa hè rất nóng và kéo dài, siêu thị không thể tắt điều hoà để tiết kiệm điện được, thậm chí, mùa hè còn phải tăng cường để phục vụ khách. Chi phí đầu vào tăng, nhà cung cấp tăng giá bán nhưng để tăng giá bán các mặt hàng trong hệ thống siêu thị, phải chờ Saigon Co.opmart chính thức đưa ra thông báo với khách hàng, còn hiện nay giá bán vẫn giữ ổn định.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó, giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng, buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, việc điện tăng 8,36% xăng RON 95 tăng tới 1.484 đồng/lít lên mức hơn 20.000 đồng/lít là mức tăng sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng… Ví dụ, trong ngành thép, điện chiếm 6 - 7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép bán giá cao lên. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, cứ thế tác động liên hoàn. Còn xăng tăng là hệ quả của việc tăng giá thế giới. Hiện, quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đầu mối đã cạn kiệt nên việc tăng giá xăng là việc bất khả kháng.

Việc tăng cả 2 yếu tố giá sẽ làm tăng chỉ số giá bởi xăng, điện là 2 đầu vào tất cả sản phẩm nên các mặt hàng sẽ tăng lên theo. “Cùng với xăng, giá điện tăng người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng. Đồng thời, phải chịu sức ép gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng. Tuy vậy, giá điện tăng tác động đến mặt bằng giá cả sẽ có độ trễ. Dự báo, sau khoảng 3 tháng, sẽ thiết lập mặt bằng mới nhưng mức độ tăng bao nhiêu sẽ phải tính toán cụ thể, chi tiết hơn. Giá điện, xăng tăng cũng sẽ tác động chỉ số giá cả tăng lên khoảng 0,2% trong tháng tới”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tâm lý người dân và doanh nghiệp (DN) đều không muốn giá điện, giá xăng dầu cũng như giá các mặt hàng khác tăng, nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều, cần thiết phải tăng. Lý giải điều này, ông Lực cho hay, trước đây, giá đầu vào của các DN vẫn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước, song hiện nay, giá đầu vào không còn được bảo trợ. Chính phủ cũng đang yêu cầu tiến dần theo hướng thị trường và đó là điểm tích cực. Với mức tăng mới này, chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý, đủ sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện, xăng, than tăng giá: Thêm những nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO