Nhận định của những người dân có hiểu biết sống tại TP. Điện Biên Phủ. Đặc biệt là khách du lịch đến Điện Biên tham quan thì TP. Điện Biên Phủ là thành phố có môi trường sống khá an toàn, ít khói bụi, không khí thải công nghiệp. Rác thải được thu gom và xử lý triệt để bằng công nghệ khá hiện đại của Nhà máy xử lý rác thải Púng Min.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp khó khăn nhất định do công nghệ cũng như chi phí còn hạn hẹp. Trong khi đó, chất thải rắn trong sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 264 tấn/ngày; trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 109 tấn/ngày (TP. Điện Biên Phủ chiếm 74%, khoảng 52,6 tấn/ngày), chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh nhanh, phát sinh nhiều vấn đề môi trường, trong đó lượng rác thải ngày càng lớn. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng kịp các yêu cầu của phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguồn phát sinh rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu dân cư; các cơ quan, trường học; khu du lịch, khu thương mại, khách sạn, cơ sở lưu trú; cơ sở y tế; khu vực công cộng như chợ, công viên, bến xe… Chất thải rắn trong sinh hoạt tăng lên qua từng năm, nếu không được thu gom, xử lý kịp thời, rác sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Bà Trần Thị Thanh Phượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Để tăng cường công tác BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, hướng dẫn phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn hộ gia đình, tiêu hủy vỏ lọ vắc xin, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hàng năm tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các cơ sở có phát sinh nguồn thải trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện các quy định về BVMT.
Hiện nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động; trong đó, 4 cơ sở xử lý theo công nghệ lò đốt rác bằng khí tự nhiên và 5 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp (có 3/5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được thiết kế cơ bản đáp ứng các quy định theo Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNBXD ngày 18/1/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng. Các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát sinh. Ở khu vực đô thị, Công ty môi trường đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện đảm bảo để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mang đi xử lý theo quy định. Còn ở khu vực nông thôn, các hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc tổ vệ sinh môi trường cũng đang từng bước đầu tư trang thiết bị phục vụ việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90% (xử lý gần 93 tấn/ngày) và tỷ lệ chất thải sinh hoạt đông thôn được thu gom đạt khoảng 13%; toàn tỉnh có 69/115 xã đạt tiêu chí về môi trường. Hiện nay, cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn kiểm tra và xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án Đầu tư xây dựng công trình bãi rác vệ sinh môi trường khu tái định cư Đồi Cao, thị xã Mường Lay và dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên xã Pom Lót, huyện Điện Biên.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh Điện Biên về xử lý rác thải, xử lý môi trường… thì vẫn còn có những khó khăn trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt do địa bàn rộng, dân cư phân tán; cơ sở hạ tầng BVMT tại các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt đối với các huyện vùng cao; kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu phương tiện chuyên dụng, thiếu công nghệ hiện đại trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả cao.
Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được do hạn chế về nguồn lực; ý thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa nhận thức được lợi ích của công tác thu gom, phân loại rác thải. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Trong khi đó hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải chưa đồng bộ; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải.
Để công tác BVMTvà quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, trước hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT toàn dân; truyền thông, phổ biến thông tin về môi trường, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý chất thải.