Điện Biên: Tiên phong trong hoạt động bảo vệ rừng - ứng phó BĐKH

07/08/2014 00:00

(TN&MT) - Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Điện Biên là địa phương tiên phong trong hoạt động bảo vệ rừng - ứng phó BĐKH.

(TN&MT) - Cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Điện Biên đã là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng (REDD+)”.
   
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân phát dây leo, bảo vệ rừng ở Điện Biên.
   
Gian nan giữ rừng…
   
  Rừng được xem là một bể chứa carbon, giúp loại bớt khí thải nhà kính, tạo mảng xanh để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhận thức được việc bảo vệ rừng là hết sức cần thiết trong điều kiện BĐKH ngày càng gia tăng, những năm vừa qua, công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng đã được chính quyền và nhân dân trong tỉnh Điện Biên quan tâm coi trọng.
   
  Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 956.290 ha, chủ yếu là diện tích đồi núi, địa hình chia cắt phức tạp. Thực hiện chỉ 38/2005/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ về rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Điện Biên đã tổ chức rà soát và quy hoạch lại. Theo đo, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 761.783 ha đã được phân chia thành 3 loại rừng (trong đó rừng đặc dụng là 118.500 ha; rừng phòng hộ là 358.210 ha; rừng sản xuất là 285.060 ha). Để quản lý các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tỉnh Điện Biên đã thành lập 3 Ban quản lý rừng phòng hộ, 2 Ban quản lý rừng đặc dụng, diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất được giao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, bảo vệ và hưởng lợi theo cơ chế chính sách của Nhà nước.
   
  Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng mất rừng, suy thoái rừng vẫn diễn ra thường xuyên do việc chuyển đổi rừng sang sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy, di dân tự do, tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác rừng lấy gỗ, củi và tình trạng cháy rừng vẫn còn phổ biến.
   
  Chính vì vậy, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của ngành lâm nghiệp tỉnh trong giai đoạn 2011 -2020 cần tập trung phát triển rừng một cách bền vững, hiệu quả; rà soát, cắm mốc phân định rõ ranh giới quy hoạch 3 loại rừng tại thực địa; giao đất rừng gắn với thực hiện chính sách bảo vệ rừng và trồng rừng; khuyến khích đa dạng hóa các hình thức đầu tư trồng rừng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nhằm từng bước làm cho lâm nghiệp có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.
   
Hạn chế suy thoái rừng từ hành động cụ thể
   
  Nhằm hạn chế việc rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng, đồng thời thực hiện quyết định số 799 ngày 27/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng” cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế - JICA, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành quyết định số 379/QĐ-UBND, ngày 26/5/2014 về kế hoạch hành động REDD+.
   
  Theo Kế hoạch hành động REDD+, tỉnh Điện Biên đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 là: Tăng ròng cacbon hàng năm đạt 40.641 tấn CO2/năm; nâng độ che phủ của rừng lên 45%; thiết lập được 6.555 ha rừng thuộc 2 xã thực hiện thí điểm là Mường Phăng và Mường Mươn đủ điều kiện thực hiện REED+; bảo tồn các loại động, thực vật hiện có, ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học đối với 2 xã thí điểm REDD+. Đến giai đoạn 2016 - 2020 là lượng cacbon tăng ròng hàng năm đạt 376.650 tấn CO2/năm; nâng độ che phủ của rừng lên 50% vào năm 2020; Thiết lập được 264.000 ha rừng đủ điều kiện tham gia thực hiện REDD+; tiếp tục bảo tồn các loài động thực vật, ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học trên địa bàn toàn tỉnh.
   
  Ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: “Hiện nay, tình trạng phá rừng, mất rừng, suy thoái rừng ở Điện Biên đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, trong một vài năm tới, Điện Biên sẽ không còn rừng để mất. Đây chính là một trong những nguyên nhân để Điên Biên thực hiện xây dựng Kế hoạch hành động REDD+”. Tính đến thời điểm này, Điện Biên cũng là tỉnh tiên phong khi ban hành Kế hoạch hành động cấp tỉnh về hoạt động này.
   
  Tuy nhiên, vì đây là hoạt động mới nên để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới Sở NN&PTNT tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA để thực hiện các hoạt động REDD+ tại hiện trường ở hai xã thí điểm. Đồng thời phấn đấu trong gian đoạn 2014 - 2016 sẽ triển khai việc giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu rừng, nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng của tỉnh hoàn thiện hơn.
   
Linh Nga
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Tiên phong trong hoạt động bảo vệ rừng - ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO