Điện Biên: Phát triển kinh tế nhờ khoanh nuôi và bảo vệ rừng

30/09/2016 00:00

(TN&MT) – Trong khi nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng bị hủy hoại, nhiều đề án trồng rừng không đem lại hiệu quả, người dân không mặn mà với việc trồng rừng. Thì vẫn còn đó những con người âm thầm giữ rừng, trồng rừng, nhờ rừng mà phát triển kinh tế. Đó là những tấm gương mà Điện Biên cần “ươm mầm” trong cuộc hành trình trả lại màu xanh cho những những cánh rừng.

Ông Lò Văn Miên chăm sóc vườn cây trĩu quả, nguồn thu nhập lớn trong mô hình vườn – ao – chuồng – rừng.
Ông Lò Văn Miên chăm sóc vườn cây trĩu quả, nguồn thu nhập lớn trong mô hình vườn – ao – chuồng – rừng.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà của ông Lò Văn Miên, bản Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, một điển hình trong việc bảo vệ rừng. Chúng tôi được ông Miên dẫn lên khu trang trại, ánh nắng gắt dịu bớt đi sau trên những tán cây rừng. Những vườn cây trĩu quả, những giá trị to lớn mà rừng mang lại dường như không phụ tấm lòng của người nông dân yêu đất, yêu rừng này.

Ông Lò Văn Miên chia sẻ: “Cách đây khoảng 16 năm, trong khi các thanh niên khác đi nơi khác làm thuê kiếm tiền, tôi lại có suy nghĩ là phải tìm hướng đi mới cho gia đình, có như vậy mới thoát nghèo, thoát khỏi cái đói. Nhận thấy được tiềm năng phát triển từ rừng, tôi đã nhận khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ khoảng 45ha đồi rừng tại khu vực bản Ten, xã Hua Thanh (bấy giờ là xã Thanh Nưa) huyện Điện Biên. Mới đầu cực nhọc, người ta không khỏi cười mình, nhưng đến bây giờ, trước thành quả đạt được, tôi hài lòng vì con đường mình đã chọn.”

Chủ động trồng xen canh và thay thế các giống cây có giá trị kinh tế cao
Chủ động trồng xen canh và thay thế các giống cây có giá trị kinh tế cao

Được biết, với khoảng 45ha rừng, ông Miên chủ động phát quang và làm rào chắn để người dân không vào chặt phá, trâu, bò không vào phá hoại. Sau đó, ông tìm và đem trồng xen canh các giống cây trồng quý, có giá trị kinh tế cao, đến nay, rừng đã cho thu hoạch. Ông tính, trồng rừng thì không thể ăn sổi, nên quyết định trồng cây ăn quả ngắn ngày để "lấy sức" nuôi rừng dài ngày. Ông đã dành 10ha để quy hoạch phát triển trang trại, trồng cây ăn quả như cam, bưởi, xoài.... Đến nay, vườn cây đã cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng.

Không chỉ vậy, ông Miên còn tận dụng các khe nước trong khu vực trang trại cải tạo thành ao nuôi cá. Hiện tại, gia đình ông có 7 ao cá với tổng diện tích hơn 7 ha, nuôi các loại cá như rô phi, chép, trắm... mỗi năm cho thu hoạch 11 - 12 tấn cá, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được trên 100 triệu đồng. Khu vườn đồi, ông đem gà về nuôi thả, tận dụng diện tích mặt nước nuôi thêm vịt, ngan. Nắm bắt nhu cầu của thị trường về thịt lợn rừng, ông  mạnh dạn tìm mua lợn rừng về nuôi và gây giống, đến nay đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng giúp gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng.

Ông Lò Văn Miên bên những cánh rừng
Ông Lò Văn Miên bên những cánh rừng

“Tôi biết chỉ có bảo vệ rừng, giữ rừng và trồng rừng thì mới giữ được nguồn nước cho các ao cá không bị cạn kiệt, cả chục héc-ta cây ăn quả đã cho thu hoạch và đang được nhân rộng mới đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.” – ông Miên khẳng định.

Nhờ chăm sóc và bảo vệ rừng mà mô hình vườn – ao – chuồng của gia đình ông Miên đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, vào mùa thu hoạch hay phát cỏ có khi lên đến 20 lao động. Hiện nay, ông đang tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả. “Khoảng 2 năm nữa, khi diện tích cây ăn quả gia đình đang nhân rộng cho thu hoạch thì thu nhập gia đình sẽ còn tăng lên đáng kể.” – ông Miên tự tin nói.

Có thể thấy, từ một nông dân tay trắng, giờ ông Lò Văn Miên đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và phát triển. Chúng tôi hiểu rằng sau tất cả những thành quả đã đạt được là cả một quyết tâm, nghị lực vượt khó mà ông Miên đã gửi ước mơ và tình yêu vào đất, vào rừng.

Hy vọng rằng, những tấm gương giữ rừng, bảo vệ rừng và nhờ rừng để phát triển kinh tế như gia đình ông Lò Văn Miên sẽ góp một phần nào đó để thay đổi cách nhìn và những suy nghĩ về phương thức sản xuất phụ thuộc vào nương rẫy đã thường trực trong tiềm thức của rất nhiều người dân vùng cao Điện Biên.

Bài & ảnh: Hà Thuận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Phát triển kinh tế nhờ khoanh nuôi và bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO