Điện Biên: Nông dân gồng mình bảo vệ vật nuôi trước rét đậm, rét hại

01/02/2018 20:56

(TN&MT) – Liên tiếp từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 2 trận rét đậm, rét hại. Thống kê đợt rét đậm lần 1 kéo dài từ ngày 9-16/1 đã có trên 400 con gia súc bị chết rét, thiệt hại khoảng gần 7 tỷ đồng. Dự báo đợt rét đậm, rét hại lần này kéo dài từ ngày 31/1 đến ngày 6/2, nền nhiệt thấp phổ biến từ 10-13 độ C, vùng núi cao từ 2-4 độ C. Nông dân trên địa bàn đang phải gồng thực hiện các biện pháp mình bảo vệ đàn vật nuôi.

Nông dân gồng mình bảo vệ vật nuôi trước rét đậm, rét hại

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên cho biết: Do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có độ mạnh, từ ngày 30/1, tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ thấp nhất trong đêm 30/1 và sáng ngày 31/1 phổ biến từ 10 độ C đến 13 độ C. Dự báo từ ngày 31/1 kéo dài đến ngày 6/2, rét đậm, rét hại tiếp tục xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này từ 8 độ C đến 10 độ C; khu vực đèo Pha Đin và vùng núi cao nhiệt độ giảm sâu xuống còn 2 độ C đến 4 độ C, khả năng xuất hiện băng giá, sương muối. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1.

Rút kinh nghiệm từ sau thiệt hại lớn của đợt rét đậm, rét hại xảy ra trước đó, trong đợt rét đậm, rét hại này người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên càng ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Thời điểm hiện tại, ở các xã lòng chảo Mường Thanh, như: Noong Hẹt, Sam Mứn, Pom Lót (huyện Điện Biên)… người chăn nuôi gia súc đã thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại, tích trữ nguồn thức ăn (cỏ khô, ngọn mía, rơm, thân cây chuối…) từ nhiều ngày trước để phòng, chống đói, rét cho gia súc.

Ông Lò Văn Mấng, bản Huổi Lé, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Gia đình tôi có nuôi 2 con trâu, từ nhiều ngày qua gia đình đã lùa trâu xuống núi, không chăn thả trên nương nữa. Hằng ngày đều cho thêm cám vào nguồn thức ăn cho trâu, pha thêm muối vào nước uống cho trâu. Đêm xuống nhốt trâu trong chuồng được che chắn kín gió và đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Gia đình cũng đã căng bạt che chắn kín chuồng cho trâu; tích trữ rơm khô, hằng ngày đi hái thêm cỏ; lạnh quá thì đốt củi lửa trong chuồng sưởi ấm cho trâu.

Theo Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên - Ông Trần Công Kha, cho biết: Cuối tháng 12/2017 và đợt rét đậm, rét hại xảy ra từ ngày 9 đến ngày 16/1, toàn xã Noong Hẹt có gần 50 con gia súc bị chết rét. Địa phương là một trong những xã có số lượng gia súc, gia cầm lớn với hơn 7.700 con gia súc, hơn 75.000 con gia cầm, trong đó có nhiều hộ chăn nuôi gia súc trên nương. Trước tình hình thời tiết cực đoan, chính quyền đã ra các văn bản chỉ đạo các thôn, bản, đặc biệt là các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như: củng cố lại hệ thống chuồng trại giữ ấm cho vật nuôi; dự trữ thức ăn cho vật nuôi, đảm bảo đủ cho gia súc, gia cầm trong suốt thời gian thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài; sưởi ấm cho gia súc, gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C.

Nông dân gồng mình bảo vệ vật nuôi trước rét đậm, rét hại

Các huyện vùng cao như Tuần Giáo, Nậm Pồ, Tủa Chùa… việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi đã được chính quyền vận động tuyên truyền người dân không chăn thả gia súc trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại; tích trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm; che chắn chuồng trại kín gió. 

Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Đặc thù là vùng núi cao nên khi rét đậm, rét hại xảy ra thì khu vực Pha Đin có nền nhiệt giảm rất sâu. Xã Tỏa Tình nằm trên khu vực đỉnh đèo, có tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 2.500 con. Chúng tôi đã chỉ đạo các bản tuyên truyền và vận động người dân phải nuôi nhốt gia súc, gia cầm; tích trữ cỏ, rơm cho vật nuôi ăn tại chuồng; Di chuyển đàn gia súc xuống khu vực thấp có nền nhiệt độ ấm hơn.

Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời để người dân chủ động phòng tránh; Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc che chắn, giữ khô nền, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng trại; tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn tinh và thô đảm bảo phòng chống đói, rét cho gia súc; đưa về nơi trú tránh, không thả rông gia súc, gia cầm.

Trước đợt rét đậm, rét hại này, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đề nghị các địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản đến các xã, phường, thị trấn; trong đó tập trung hướng dẫn người dân chăn nuôi tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn hằng ngày để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi; dự trữ, chế biến và bảo quản nguồn thức ăn cho trâu, bò; Tổ chức kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn công tác phòng, chống đói, rét, đặc biệt chú trọng tại các xã vùng núi cao.        

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nông dân gồng mình bảo vệ vật nuôi trước rét đậm, rét hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO