Qua thống kê thực trạng rác thải trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho thấy, lượng rác thải ra môi trường khá lớn. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 98 tấn/ngày, trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại thành phố Điện Biên Phủ khoảng 70,2 tấn/ngày (chiếm 71,56%), đối với lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 90%, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 18%. Toàn tỉnh có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 3 cơ sở xử lý bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp, còn lại là xử lý theo hình thức bãi chôn lấp.
Điểm xả rác tự phát của người dân tại khu C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên |
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên thực hiện, chất thải rắn được thu gom từ các khu vực lên các xe đẩy tay ra điểm tập kết và sau đó vận chuyển bằng xe ô tô ép rác. Các phương tiện vận chuyển đảm bảo không rơi vãi, rò rỉ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Từ tháng 8/2019, Nhà máy xử lý rác tại bản Púng Min, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) hoàn thành và đưa vào sử dụng với dây chuyền, công nghệ xử lý hiện đại, công suất 96 tấn/ngày đêm góp phần nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn do Công ty phụ trách.
Công tác quản lý và xử lý chất thải rắn được tỉnh Điện Biên định là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm và luôn được quan tâm, quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành. Để công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Thời gian tới, Ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư, tập trung rác thải tại điểm đầu mối đã quy định để thuận tiện trong việc vận chuyển xử lý; tuyệt đối không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, nhất là xả ra sông, suối.
Công nhân môi trường thu gom rác tại khu chợ Mường Thanh |
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Thực hiện lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định. Rà soát quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Suối Huổi Phạ cũng có một lượng rác đáng kể sau mỗi ngày lễ, tết |
Trong thời gian tới, để bảo vệ và chủ động chống ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác phối, kết hợp với các ban, ngành địa phương trong việc triển khai quy hoạch, kế hoạch và chương trình về xử lý và thu gom chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại, góp phần cải thiện môi trường xanh-sạch-đẹp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho cộng đồng.