Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nhờ đó, góp phần ổn định diện tích rừng, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn, góp phần giữ cho những cánh rừng của tỉnh thêm xanh.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên, cho biết: Trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần quan trọng tạo nguồn lực giúp chủ rừng phát triển sinh kế, tăng thu nhập, người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng.
Từ ngày 01/01 đến ngày 15/6/2022, tổng nguồn thu DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thu được đạt 292.522.984.291 đồng. Trong đó, năm 2021 chuyển sang là 249.773.234.787 đồng và năm 2022 là 42.749.749.504 đồng. Ngoài ra, Quỹ còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình với tổng chi 175.074.156.590 đồng, trong đó, chi quản lý là 3.184.643.160 đồng; chi trả cho chủ rừng 171.889.513.430 đồng.
Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR về cơ bản đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện chi trả tiền DVMTR cho hơn 4.152 chủ rừng bao gồm chủ rừng tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, tổ chức khác, có những hộ nhận được số tiền cao nhất trong một năm lên đến: 120 triệu đồng/năm.
Hiện nay, diện tích rừng được chi trả DVMTR khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật Lâm nghiệp và cung ứng một hoặc một số dịch vụ môi trường rừng quy định tại Điều 61 của Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, bên sử dụng DVMTR phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng DVMTR, thực hiện chi trả DVMTR bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp.
Từ những kết quả thực tiễn đã đạt được, hi vọng chính sách chi trả DVMTR sẽ ngày càng hoàn thiện để phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của ngành lâm nghiệp toàn tỉnh. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng đủ theo quy định. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, góp phần ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.