Điện Biên: Đợi vốn cho mùa trồng rừng mới

20/06/2017 00:00

(TN&MT) - Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm tỉnh Điện Biên thường lựa chọn để triển khai kế hoạch trồng rừng. Vì đặc thù khí hậu tại thời điểm đó Điện Biên bắt đầu mưa nhiều, triển khai trồng rừng sẽ thuận lợi, tỷ lệ cây sống đạt cao. Tuy nhiên, nguồn vốn cho kế hoạch trồng rừng năm nay phân bổ chậm, nên nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên đang lúng túng triển khai thực hiện.

Huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chuẩn bị cây giống cho các địa phương trồng rừng.
Huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chuẩn bị cây giống cho các địa phương trồng rừng.

Kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2017 cả tỉnh trồng khoảng 113 ha rừng phòng hộ tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Nhé và 2.130 ha rừng sản xuất tại 10/10 huyện, thị, thành phố. Mùa trồng rừng ở Điện Biên đã bắt đầu từ đầu tháng 5 nhưng do kinh phí phân bổ chậm nên một số nơi vừa làm vừa chờ… vốn.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên - bà Phạm Thị Hương cho biết: Năm nay do chưa phân bổ vốn trồng rừng cho các địa phương được nên tiến độ thực hiện đang bị chậm so với kế hoạch đề ra. Chúng tôi cũng rất sốt ruột, mặc dù thời tiết tỉnh Điện Biên thời gian gần đây khá mát mẻ, thuận lợi cho công tác trồng rừng.

Không đợi chờ vốn cấp mới thực hiện, một số huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông đã, chủ động cân đối nguồn ngân sách của huyện để thực hiện. Đến nay, các huyện này đã hoàn thành công tác phát dọn thực bì, đào hố và triển khai trồng được một số diện tích. Nếu như những năm trước, kế hoạch trồng rừng phòng hộ thường không đạt vì diện tích lớn, kinh phí cấp chậm, các địa phương triển khai muộn nhưng năm nay với diện tích được giao 113ha, khả năng các địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch. -  Bà Hương cho biết thêm.

Ngay từ đầu năm 2017, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch trồng rừng và giao chỉ tiêu cụ thể đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Năm nay, huyện Điện Biên Đông không được giao kế hoạch trồng rừng phòng hộ do đó huyện phấn đấu hoàn thành 50ha rừng sản xuất tập trung và 60.000 cây phân tán. Đến nay, các xã, thị trấn đã hoàn tất công tác phát dọn thực bì, đào hố; đầu tháng 6/2017, huyện sẽ tổ chức giao cây giống về các xã, thị trấn để triển khai trồng rừng.

Người dân huyện Điện Biên kiểm tra rừng trồng mới
Người dân huyện Điện Biên kiểm tra rừng trồng mới

Với huyện Tuần Giáo, kế hoạch được gia trồng 63,5ha rừng sản xuất tại 4 xã: Chiềng Đông, Quài Nưa, Mường Mùn, Quài Tở và 33ha rừng phòng hộ tại 2 xã Quài Nưa và Tỏa Tình. Đến nay, huyện đã trồng được 10/63,5ha rừng sản xuất tại 2 xã Chiềng Đông và Quài Tở. Đối với kế hoạch trồng rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành công tác phát dọn thực bì, đào hố và chuẩn bị trồng cây.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Để chủ động thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, huyện Tuần Giáo đã trích 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để phân bổ cho các xã triển khai trồng rừng. Đến nay, huyện đã chuẩn bị đủ số lượng cây giống gồm 2 loại: keo và mỡ, chất lượng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chuẩn bị đủ diện tích đất, phát dọn thực bì, đào hố trồng cây.  Toàn huyện đã trồng mới được gần 40ha rừng sản xuất, chủ yếu tập trung tại các xã: Chiềng Đông, Quài Tở và Quài Nưa. Hiện còn gần 30ha , huyện phấn đấu sẽ hoàn thành trong khung thời vụ và phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng sản xuất trước tháng 8/2017.

Không thuận lợi như 2 huyện Tuần Giáo và Điện Biên Đông, thời điểm này, huyện Nậm Pồ vẫn chưa triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2017 do thiếu vốn. Dự kiến năm nay huyện sẽ trồng 106,23ha rừng, trong đó: 50ha rừng phòng hộ, 50ha rừng sản xuất và 6,23ha rừng thay thế tại các xã: Nà Khoa, Nà Hỳ, Chà Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn và Phìn hồ.

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai trồng rừng, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Huyện chưa triển khai trồng rừng vì thiếu vốn. Do không có kinh phí nên huyện không thể thực hiện việc thuê tư vấn, lập hồ sơ dự án... sau đó trình phê duyệt để triển khai đến người dân. Cùng với đó, suất đầu tư trồng rừng phòng hộ thấp (khoảng 53 triệu/ha trong 4 năm) nên người dân không hào hứng tham gia. Với tình hình này, huyện Nậm Pồ nhiều khả năng không thể hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2017.

Bài, ảnh: Hoàng Châu -  Nam Hương

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đợi vốn cho mùa trồng rừng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO