Điện Biên: Đẩy mạnh chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng

25/10/2018 09:23

(TN&MT) – Với số lượng chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tương đối lớn, những năm qua, công tác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã gặp phải không ít khó khăn. Để tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thí điểm áp dụng hình thức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Công tác chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện từ năm 2013 đến nay, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn chi trả chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, việc chi trả bằng tiền mặt lại hiện hữu rất nhiều những vấn đề bất cập: Tính rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền; chi phí chi trả cao, do số lượng người trực tiếp tham gia chi trả đông, thời gian chi trả kéo dài, phải huy động các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ; dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian, tính minh bạch chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian, mất nhiều nguồn lực...

Điện Biên có số lượng chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng lớn. Tổng số có 1.607 chủ rừng, gồm 04 chủ rừng là tổ chức và 1.603 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, phân bố trên địa bàn 104 xã thuộc 08 huyện, thị xã là: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Lay, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa.
 

Việc chi trả bằng tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình chi trả
Việc chi trả bằng tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình chi trả

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 388/TB-TCLN-VP, ngày 27/3/2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Ban điều hành Quỹ đã tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ thí điểm áp dụng hình thức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua hệ thống tài khoản Ngân hàng chính sách xã hội.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Quỹ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, triển khai thí điểm chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho 31 chủ rừng tại 3 huyện, thị. Trong đó, huyện Tuần Giáo 10 cộng đồng, huyện Mường Chà 11 cộng đồng vị 10 cộng đồng tại thị xã Mường Lay. Thông qua đánh giá hiệu quả tại các huyện, thị thí điểm, Quỹ sẽ đề xuất mở rộng chi trả qua tài khoản ngân hàng cho toàn bộ chủ rừng trên đại bàn tỉnh. Trong đợt tạm ứng lần 1 năm 2018 Quỹ sẽ thí điểm chuyển tiền qua tài khoản cho các cộng đồng này. Đây được đánh giá là hình thức chi trả tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo sự an toàn trong quá trình chi trả.

Lồng ghép với việc chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các chủ rừng việc mở tài khoản nhận tiền chi trả DVMTR qua hệ thống tài khoản ngân hàng. Tuy gặp khó khăn trong quá trình hướng dẫn thực hiện, nhưng tổ tuyên truyền đã phổ biến những thuận lợi, lợi ích từ việc trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội, đó là người dân chủ động hơn trong việc rút tiền, có thể rút nhiều lần, rút ngày nào cũng được…

Ông Quàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, chia sẻ: Qua tuyên truyền tất cả các chủ rừng đều nhận thấy lợi ích việc chi trả DVMTR qua mở tài khoản qua Ngân hàng chính sách xã hội. UBND xã Mường Pồn sẽ đề nghị thường trực 3 bên xã họp thống nhất cho ý kiến về việc mở tài khoản. Sau khi họp xong, xã sẽ có chủ trương thông báo đến các chủ rừng.
 

Điện Biên đang thực hiện thí điểm chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho 31 chủ rừng tại 3 huyện, thị xã
Điện Biên đang thực hiện thí điểm chi trả DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho 31 chủ rừng tại 3 huyện, thị xã

Việc chi trả thông qua chuyển khoản đối với những các hộ gia đình, đại diện nhóm hộ, thôn, bản cũng gặp phải không ít những vấn đề khó khăn, bất cập do thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số người dân. Nhiều người dân miền núi còn nhiều lạc hậu, trình độ học vấn còn rất hạn chế, thậm chí nhiều người còn chưa biết chữ. Hơn nữa, các ngân hàng phục vụ tại nhiều nơi còn cách xa các bản làng hàng chục km, đường xá đi lại rất khó khăn cũng là một trong những rào cản đối với việc thanh toán bằng chuyển khoản.

Thực tế cho thấy rằng có những hộ gia đình chỉ nhận được số tiền vài chục ngàn hay vài trăm ngàn đồng/năm cho việc bảo vệ một héc - ta rừng, như tại lưu vực sông Mã. Người dân đi đường rừng hàng chục km để rút một khoản tiền ít ỏi cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, với việc nhận thêm tiền điều tiết chi trả DVMTR từ lưu vực sông Đà sang, người dân tại lưu vực sông Mã sẽ có thêm động lực để bảo vệ rừng, cùng với đó là đồng thuận với việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đẩy mạnh chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO