Điện Biên: Đã có giải pháp xử lý cơ sở chế biến dong riềng

20/12/2013 00:00

(TN&MT) - Huyện Điện Biên đã có chỉ đạo, biện pháp quyết liệt… tạm dừng việc sản xuất, chế biến của những cơ sở dong riềng gây ô nhiễm để có giải pháp khắc...

(TN&MT) - Ngày 16 – 18/12 UBND huyện Điện Biên (Điện Biên) đã ra quyết định số 6022/QĐ – UBNDthành lập đoàn liên ngành kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất chế biến dong riềng vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện nay, huyện đã có chỉ đạo, biện pháp quyết liệt… tạm dừng việc sản xuất, chế biến của những cơ sở gây ô nhiễm để có giải pháp khắc phục.
   
Cơ sở chưa thực hiện cam kết
  Trong bản cam kết của các hộ sản xuất chế biến dong riềng với huyện Điện Biên đều có giải pháp đưa ra để thực hiện biện pháp xử lý chất thải rắn khống chế phát sinh mùi, bụi, khí và thu gom vận chuyển bã thải, chất thải vô cơ… xử lý nước thải, với hệ thống: ao sinh học, cấp, thoát nước… đảm bảo không xả trực tiếp nước thải ra môi trường.
   
Cơ sở sản xuất dong riềng của ông Lò Văn Pâng xả trực tiếp nước thải ra môi trường
   
  Qua thực tế tại một số cơ sở sản xuất chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, chúng tôi thấy rõ quy trình để không làm ảnh hưởng đến môi trường đều chưa đảm bảo, có cơ sở đã xả trực tiếp nước thải ra môi trường. Theo quy định trong cam kết bảo vệ môi trường yêu cầu các cơ sở  này khi xả nước ra phải qua giai đoạn lắng, lọc mới được đưa xuống các ao và có đường ống dẫn ra môi trường nhưng nhiều cơ sở đã có ao để xả nước thải nhưng không đảm bảo như: Cơ sở của ông Lò Văn Tươi, bản Tà Cáng 1 dù đã có ao để chứa nước thải lắng, lọc theo quy định nhưng diện tích ao nhỏ không đủ cho lượng nước thải lớn từ 2 máy sản xuất, chế biến một ngày 15 – 20 tấn củ dong riềng nên nước thải chảy tràn qua bờ xuống suối. Tương tự như vậy là cơ sở của ông Vũ Văn Năm, bản Đán Yên chỉ với ao sinh học là thửa ruộng vài chục mét vuông mà theo quy định bắt buộc phải có diện tích ao 140m² nên lượng nước thải ra không thể chứa đủ và kịp ngấm để giảm thiểu ô nhiễm đã xả xuống sông Nậm Rốm. Cơ sở sản xuất chế biến dong riềng của Hợp tác xã Hồng Phước do ông Lò Văn Pâng làm chủ nhiệm không có ao mà nước thải qua 2 cửa xả thẳng ra suối. Khi trao đổi với chúng tôi về việc cam kết bảo vệ môi trường trong việc hoạt động của cơ sở, ông Lò Văn Pâng đã thừa nhận việc xả nước trực tiếp ra môi trường là vi phạm nhưng do việc đào ao và thực hiện theo đúng quy định phải chi phí lớn nên cơ sở của ông không thể làm được. Ông sản xuất chế biến dong riềng cũng vì lợi ích của người dân địa phương trồng và bán sản phẩm nếu dừng cơ sở sản xuất ông sẽ dừng ngay nhưng người dân bán sản phẩm cho ai? Ông đặt câu hỏi với chúng tôi. Cho nên chính vì vậy tuy biết cơ sở ông vi phạm cam kết chính quyền cơ sở xã vẫn không nhắc nhở, xử lý và có biện pháp triệt để được. 
   
Các bể chứa của các cơ sở sản xuất dong riềng đều vi phạm vì không có bể chứa lắng, lọc
   
  Tại những cơ sở này, bã dong riềng, chất thải vô cơ không được thu gom, vận chuyển đến nơi theo quy định mà cùng trôi với nước thải.
   
Chính quyền cơ sở buông lỏng
  Các cơ sở sản xuất chế biến dong riềng khi đã được chấp nhận đi vào hoạt động thì việc theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường được giao cho UBND xã trực tiếp quản lý. 
   
Tổ công tác liên ngành của huyện kiểm tra và phát hiện
ra vi phạm của cơ sở sản xuất dong riềng thải nước trực tiếp ra môi trường
   
  Trong địa bàn xã Nà Tấu có 6 cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng thì chỉ có 2 cơ sở là tương đối đảm bảo với việc bảo vệ môi trường còn lại đều vi phạm nhưng qua kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở vẫn chưa thực hiện tuy xã nắm được nhưng vẫn không có biện pháp xử lý cứng rắn như: Xử phạt nghiêm, đề nghị đình chỉ hoạt động để khắc phục… ông Lò Văn Chốm, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, cho biết: Các cơ sở vi phạm xã đều có kiểm tra, nhắc nhở nhưng rất khó xử phạt và yêu cầu dừng sản xuất để khắc phục. Bởi hiện nay trong xã có gần 500ha dong riềng nếu đình chỉ hoạt động, các cơ sở không thu mua nữa sẽ thiệt hại rất nhiều về kinh tế và nếu bán cho nơi khác về thu mua thì chỉ được 2/3 giá so với bán tại chỗ. Chính vì vậy mà xã đã buông lỏng việc quản lý, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này. Từ khi các cơ sở vào sản xuất, xã chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở và chính dựa vào những lý do trên khiến cho các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng “lơ” đi việc thực hiện đúng cam kết. Tuy không đánh giá được mức độ ô nhiễm nhưng qua việc xả nước thải ra môi trường, mùi hôi thối của các cơ sở sản xuất đã có những phản ánh của một số người dân về việc nước đưa vào ao nuôi thủy sản không đảm bảo dẫn đến cá bị chết. Những phản ánh đó chỉ có 1 vài hộ còn lại đa số người dân trong xã không ý kiến gì vì họ đều là các hộ trồng dong riềng và việc sản xuất, chế biến chỉ diễn ra trong thời gian mùa vụ ngắn (từ tháng 10 đến tháng 1 hàng năm) cũng là nguyên nhân.
   
Ban, ngành vào cuộc quyết liệt
  Sau khi nhận được phản hồi từ phóng viên báo, Phòng Tài Nguyên & Môi trường huyện Điện Biên đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định số 6022/QĐ – UBND về việc: Thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Ông Lò Văn Cương, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Điện Biên, cho biết: Qua 2 ngày kiểm tra (16 – 18/12) tổ kiểm tra liên ngành, gồm: Cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường, thanh tra, cảnh sát môi trường huyện đã phối hợp với UBND xã Nà Tấu, Nà Nhạn đã lập biên bản giao cho xã xử phạt hành chính 6 cơ sở sản xuất và yêu cầu tạm dừng các cơ sở sản xuất xả trực tiếp nước thải ra môi trường. Các cơ sở tuy đã thực hiện cam kết nhưng chưa đảm bảo, tổ yêu cầu phải thực hiện ngay các giải pháp, như: đắp cao bờ ao để đảm bảo chứa nước thải, thu gom bã, đóng bao và chuyên chở đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, tổ công tác đã làm việc với các xã làm rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ giám sát, sử lý…  việc kiểm tra cho thấy hiện 100% các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng đều có lỗi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hiện các cơ sở đều đã cam kết và dừng sản xuất để khắc phục và triển khai các giải pháp theo đúng yêu cầu mới tiếp tục được sản xuất. Phòng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để tình trạng ô nhiễm và buông lỏng việc theo dõi như vừa qua tại các xã của chính quyền cơ sở khi đã được giao trách nhiệm, nếu cơ sở nào tái phạm sẽ tùy theo mước độ nặng xử theo quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Phạm Hoàng

   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đã có giải pháp xử lý cơ sở chế biến dong riềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO