Điện Biên: Công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn

20/10/2017 00:00

(TN&MT) – Bình quân mỗi năm tỉnh Điện Biên mất hàng trăm héc ta rừng. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm nương; áp lực tăng dân số tạo sức ép lớn đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp, một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế... Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Tháng 7 vừa qua xảy ra vụ phá rừng nghiêm trong tại Khu rừng đặc dụng Mường Phăng (Điện Biên)
Tháng 7 vừa qua xảy ra vụ phá rừng nghiêm trong tại Khu rừng đặc dụng Mường Phăng (Điện Biên)

Thống kê từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn tỉnh Điện biên đã phát hiện 2.340 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật là 476 vụ, diện tích bị phá 579 ha, vi phạm quy định Nhà nước về mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật là 1.864 vụ. Các lực lượng chức năng tỉnh đã xử lý tịch thu trên 1.400 m3 gỗ các loại và thu nộp ngân sách Nhà nước trên 21 tỷ đồng.

Năm 2016, Điện Biên phát hiện 658 vụ vi phạm, tăng 40 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật 225 vụ, thiệt hại gần 190 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý được 376/512 vụ việc. Hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật với 229 vụ, 194 ha; vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 156 vụ, tịch thu trên 120 m3 gỗ, đồng thời khởi tố 21 vụ, 37 vị can.

Huyện Mường Nhé phát hiện nhiều vụ phá rừng trái pháp luật do tình trạng dân di cư tự do gây ra
Huyện Mường Nhé phát hiện nhiều vụ phá rừng trái pháp luật do tình trạng dân di cư tự do gây ra

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lý giải, những nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua một phần do tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm nương; áp lực tăng dân số tạo sức ép lớn đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp; ngoài ra một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế như: hỗ trợ gạo trồng rừng thay thế, suất đầu tư thấp, lực lượng kiểm lâm còn mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng và phức tạp về địa hình...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trong tâm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm soát tình trạng dân di cư tự do....

Đặc biệt, tỉnh Điện Biên sẽ chú trọng thực hiện quản lý, bảo vệ nghiêm những diện tích rừng hiện có, trọng tâm là bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu và các khu rừng đặc dụng; nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng, áp dụng công nghệ mới trong quản lý lửa rừng và giám sát mất rừng; đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện Quyết định 07/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng với cấp ủy chính quyền cơ sở trong kiểm tra, truy quét các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, khai thác lâm sản trái pháp luật. Đông thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như tăng cường quản lý đất lâm nghiệp.

Hoàng Châu

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO