Điện Biên: Chuyển biến trong công tác bảo vệ và phát triển rừng

13/12/2017 00:00

(TN&MT) - Năm 2017, Điện Biên ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân huyện Tuần Giáo tham gia trồng rừng
Cán bộ và nhân dân huyện Tuần Giáo tham gia trồng rừng

Năm 2017, công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, nhiều chỉ tiêu về trồng rừng, chăm sóc rừng, trồng cây phân tán, khoán bảo vệ rừng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo vệ tốt, tình trạng cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm, số vụ vi phạm về các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm so với cùng kỳ năm 2016, độ che phủ rừng tăng 2% so với cùng kỳ…

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Về mảng trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng là một trong những mảng nổi bật của nông nghiệp huyện Mường Ảng. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp huyện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người dân tham gia trồng, chăm sóc rừng. Kết quả nhân dân 8 xã trên địa bàn huyện trồng được gần 400ha, đạt 153% kê hoạch giao và tỷ lệ nghiệm thu cây sống đạt từ 90-95%. Bên cạnh đó trong năm còn xảy ra một số vụ vi phạm về bảo vệ rừng, cháy rừng nhưng thiệt hại so với các năm trước đã giảm đáng kể.

Năm 2017, công tác quản lý, bảo vệ rừng được UBND tỉnh quan tâm. Các địa phương trong tỉnh đã củng cố, kiện toàn 1.786 tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở thôn, bản với trên 18.000 thành viên; tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 40.000 lượt người và tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Ngoài ra tỉnh luôn sát xao chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 512 vụ vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm 2016), gây thiệt hại 141,88ha rừng. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 376/512 vụ, xử lý hình sự 21 vụ với 37 bị can; tịch thu 123,7m3 gỗ các loại; 28,58kg lâm sản ngoài gỗ. Tổng số tiền thu, nộp ngân sách Nhà nước 2,54 tỷ đồng.

Ðặc biệt, trong năm 2017 lần đầu tiên ngành Kiểm lâm Điện Biên ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới nhiều phương pháp chuyên môn giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Với ứng dụng khoa học này, giúp lực lượng chức năng quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, giúp phát hiện nhanh, sớm các biến động tăng, giảm của rừng qua ảnh vệ tinh (phối hợp với Dự án Quản lý thiên nhiên bền vững của tổ chức Jiaca Nhật Bản triển khai thử nghiệm công nghệ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng công nghệ không gian địa lý). Ngành Kiểm lâm có thể phát hiện sớm những vụ phá rừng, cháy rừng và hỗ trợ trong công tác kiểm kê, nghiệm thu rừng để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 1 năm ứng dụng công nghệ không gian địa lý vào theo dõi diễn biến rừng, toàn tỉnh đã phát hiện 1.857 vị trí rừng có biến động giảm và 10.847 vị trí rừng có biến động tăng. Tỷ lệ chính xác khoảng 75 - 80%.

Cán bộ và người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) tham gia tuần tra bảo vệ rừng
Cán bộ và người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Việc ứng dụng công nghệ không gian địa lý hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trước đây, rừng ở địa bàn vùng sâu, xa, cán bộ kiểm lâm phải đi bộ cả ngày đường mới đến thì nay có thể theo dõi diễn biến rừng tại các khu vực đó mà không phải đến trực tiếp. Khi phát hiện diện tích rừng có biến động, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thực địa.

Tuy nhiên với phương pháp mới này đòi hỏi người sử dụng phải thành thạo máy tính để sử dụng phần mềm ứng dụng. Do đang trong quá trình thử nghiệm nên công nghệ này là phương pháp hỗ trợ, còn hàng tuần, hàng tháng, lực lượng kiểm lâm vẫn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng. Ðồng thời mở rộng quy mô cộng tác viên; phát huy phong trào “mỗi người dân là một cán bộ kiểm lâm”; phổ biến đường dây nóng của huyện trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Trong năm 2017, diện tích rừng nghiệm thu để chi trả dịch vụ môi trường rừng là 239.983,94 ha (chủ yếu là lưu vực đầu nguồn Sông Đà) với số tiền 156 tỷ 730 triệu đồng. Công tác chi trả phí dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, khuyến khích được người dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. 

Thống kê hiện toàn tỉnh hiện còn 87.706ha rừng chưa giao, chưa cho thuê, UBND tỉnh Điên Biên đã chỉ đạo các huyện, xã xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển những diện tích rừng này để làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nếu chính sách này được phê duyệt sẽ có thêm nguồn thu để triển khai, nhân rộng các mô hình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn và người dân có thêm thu nhập, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.

Hoàng Châu – Nam Hương

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Chuyển biến trong công tác bảo vệ và phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO