Điện Biên chấn chỉnh quản lý khai thác tài nguyên cát

Bài và ảnh: Hà Thuận| 08/10/2019 12:49

(TN&MT) - UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản quy định về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; chỉ đạo đánh giá tiềm năng nguồn tài nguyên cát trên các sông lớn để có hướng khai thác hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; khoanh định những khu vực được phép khai thác cát sông… Đồng thời, đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, góp phần chấn chỉnh hoạt động khoáng sản cát trên toàn tỉnh.

1
UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tăng cường quản lý tài nguyên cát

Tính đến nay, Sở TN&MT Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên cấp 8 Giấy phép thăm dò cát; phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho 8 điểm mỏ với tổng trữ lượng cát làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) được phê duyệt là 383.389,7m3 và cấp 7 Giấy phép khai thác cát làm VLXDTT còn hiệu lực. Toàn tỉnh có một số điểm được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, cuội, sỏi tại các mỏ, điểm như: Mường Thanh, Nọong Nhai của sông Nậm Rốm, Bản Búng của suối Nậm Cô và ở một số khu vực khác trên các bãi bồi, vũng tích đọng của các nhánh sông suối trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Nhằm đảm bảo các hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đạo phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2166/UBND-TN ngày 19/6/2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh và quy chế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên tại Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 10/4/2017.

2
Khai thác cát trái phép vẫn thường xuyên xảy ra ở một số địa phương

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có nhiều điểm có cát nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác vì đặc thù lòng sông, suối nhỏ, hẹp, trữ lượng cát, sỏi không lớn, không hình thành mỏ. Chính vì thế, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn tỉnh như: xã Mường Luân, Luân Giói (Điện Biên Đông), xã Noong Hẹt, Pom Lót (huyện Điện Biên)… Việc khai thác cát trái phép khiến một số diện tích đất nông nghiệp bị sụt lún, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân trên địa bàn.

Năm 2019, nhờ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đến nay, tình trạng khai thác, tận thu cát trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã dần được ngăn chặn, khắc phục, số vụ khai thác cát trái phép giảm mạnh so với các năm trước.
 

3
Tháo dỡ phương tiện hút cát trái phép tại đại bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết: Đối với công tác quản lý khai thác cát, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác. Đồng thời, duy trì phản ánh hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn.

4
Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát

Cùng với đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các Sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý; nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn theo thẩm quyền. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn khai thác, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên chấn chỉnh quản lý khai thác tài nguyên cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO