Điện Biên: Cần phát huy thế mạnh để phát triển KTXH

14/03/2016 00:00

  (TN&MT) - Song song với việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thì Điện Biên cần...

 

(TN&MT) - Song song với việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư thì Điện Biên cần định rõ lĩnh vực kinh tế thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo đà phát triển... nhằm thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ngày 14/3,  tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Điện Biên cần phát huy các thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng; chuẩn bị thật tốt công tác bầu cử Quốc hội  khóa XIV và HĐND các cấp.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2015, dù khó khăn, song Điện Biên vẫn hoàn thành một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: Kinh tế tăng trưởng 10,02%; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,2% triệu đồng/người/năm (tăng 12,38% so với cùng kỳ); tỉ lệ hộ nghèo giảm 4,56% (còn 28,01%); thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.700 tỉ đồng... Mặc dù vậy, Điện Biên vẫn được xác định là tỉnh còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, trong đó dân tộc Mông chiếm 35%, cơ sở hạ tầng, giao thông hiểm trở, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận cao so với cả nước.

Hiện nay, Điện Biên đang tập trung triển khai một số chương trình, dự án lớn: chương trình nghèo nhanh và bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an, ninh huyện Mường Nhé và Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La... Tuy nhiên, một số chương trình, dự  án hiện vẫn chưa được Chính phủ bố trí đủ vốn để triển khai, thực hiện.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, ngày 14/3
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên ngày 14/3

Đối với công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, hiện cũng được các cấp, các ngành chủ động, tích cực hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai công tác bầu cử, báo cáo kịp thời với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đến nay, công tác triển khai bầu cử đều diễn ra thuận lợi, an toàn, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Điện Biên gồm 10 người (bầu lấy 6 đại biểu); cơ cấu ứng cử viên gồm: 1 nam dân tộc Kinh, 3 nam dân tộc Mông, 3 nữ dân tộc Thái, 3 nữ dân tộc Khơ Mú.

Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, trên cơ sở kết quả hiệp thương, tỉnh Điện Biên sẽ bầu 51 đại biểu HĐND tỉnh, dự kiến giới thiệu 91 người ứng cử, đại biểu tái cử 56%, đại biểu nữ 38%, dân tộc thiểu số 61%, đại biểu ngoài Đảng 15%, đại biểu trẻ tuổi 23%.

Đến nay, tỉnh Điện Biên không có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao việc chuẩn bị bầu cử của Điện Biên. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị nhân sự cần bảo đảm số dư, tỉ lệ nữ, cơ cấu dân tộc nhưng phải bảo đảm chất lượng của ứng cử viên, chú ý khâu thẩm tra hồ sơ người ứng cử để giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy trình với các ứng cử viên có đơn thư...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Điện Biên chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, khách quan, dân chủ, tiết kiệm và hiệu quả

Theo đó, Ủy ban Bầu cử tỉnh Điện Biên hoàn tất hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội; tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần thứ 2; tổ chức tốt công tác lấy ý kiến, nhận xét của cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử; rà soát niêm yết danh sách cử tri theo đơn vị bầu cử…

Song song với đó, Điện Biên cần  thực hiện tốt các giải pháp kinh tế, phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; tập trung xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công tác an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt các huyện nghèo 30a; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực kế cận là người địa phương. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, Điện Biên cần xác định rõ lĩnh vực kinh tế thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo nguồn thu ngân sách. Các công trình Quốc lộ 4H, Cảng hàng không Điện Biên, đầu tư giai đoạn 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh Đa khoa huyện Mường Ảng, Nậm Pồ, Đề án 79...  giao các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Địa phương và các Bộ, ngành cũng cần xác định rõ hiệu suất đầu tư của một số công trình, đồng thời xác định rõ nguồn vốn đầu tư và đầu tư dứt điểm, không kéo dài.

 Tin & ảnh: Trần Hương

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cần phát huy thế mạnh để phát triển KTXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO