Điện Biên: Cần giải quyết dứt điểm sai phạm trong sử dụng đất nông nghiệp

31/08/2016 00:00

(TN&MT) – Trong những năm gần đây tình trạng người dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ngày càng phổ biến. Làm thế nào để giải quyết những sai phạm, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật lại vừa đảm bảo lợi ích cho người dân? Đó là bài toán mà đến nay Điện Biên vẫn đang loay hoay tìm ra câu trả lời.

Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố tại khu bãi màu xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên
Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố tại khu bãi màu xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên

Sai phạm bắt nguồn từ hợp đồng giao đất

Năm 1997, UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên tiến hành hợp đồng đấu thầu đất cho 91 hộ dân trong xã trên diện tích đất 5% khu bãi màu do UBND xã Thanh Hưng quản lý. Tổng diện tích là 236.488m2 và được chia thành 4 khu với các mức khoán khác nhau. Thời gian đấu thầu là 20 năm. Hằng năm, UBND xã Thanh Hưng thu tiền sản phẩm của các hộ đấu thầu đất, mức thu được tính theo 2 vụ lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Theo hợp đồng, các hộ được phép xây nhà cấp IV, không được xây nhà kiên cố, xáo trộn mặt bằng. Nhưng cũng vì chính quyền bấy giờ buông lỏng quản lý, nên các hộ đã lợi dụng để xây dựng nhà ở kiên cố, không đúng cam kết trong hợp đồng.

Theo Kết luận Thanh tra số: 601/KL-UBND, ngày 6/7/2011 của UBND huyện Điện Biên, cho biết: Các hộ dân tự ý chuyển nhượng, chia tách hợp đồng thầu khoán giữa các hộ, dựng nhà kiên cố trên quỹ đất thuê, khoán... làm ảnh hưởng đến việc quản lý sử dụng đất của xã. Qua kiểm tra, phát hiện có 93/132 hộ đã xây dựng nhà ở trái phép. Trong đó, có 19 hộ đã xây dựng nhà cột bê tông, lợp ngói, 20 nhà sàn cột gỗ với đầy đủ công trình phụ kiên cố.

Có 2 hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 800m2 . Việc để xảy ra tình trạng trên do sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của UBND xã Thanh Hưng, không kịp thời ngăn chặn đối với các hộ tự ý xây nhà cấp 3, nhà sàn lớn làm ảnh hưởng tới việc thu hồi đất khi hết hạn hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Qua đó, UBND huyện Điện Biên yêu cầu Đảng ủy xã tổ chức họp kiểm điểm đối với Thường trực HĐND - UBND xã Thanh Hưng khóa 16, nhiệm kỳ 1994-1999.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng xây nhà trái phép vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn, không hề có dấu hiệu giảm. Theo Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 25/7/2016, với diện tích 4,5ha đất màu 2 ven đường từ trung tâm xã Thanh Hưng đến bản Mé, đã có 118 hộ xây dựng nhà ở ( tăng 25 hộ so với năm 2011). Phải chăng cán bộ quản lý đất đai ở xã Thanh Hưng và cả huyện Điện Biên đã quá “dễ dãi” trong việc xử lý sai phạm, nên sai phạm chỉ tăng chứ không giảm?.

Những trường hợp vi phạm dọc Quốc lộ 279, tại địa phận C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Những trường hợp vi phạm dọc Quốc lộ 279, tại địa phận C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Dân lấn chiếm, chính quyền buông lỏng quản lý

Không chỉ riêng khu đất bãi màu xã Thanh Hưng, các hộ dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng tự ý xây nhà khu vực dọc đường Quốc lộ 279, gây xôn xao dư luận.

Đi dọc đoạn quốc lộ này, rất nhiều ngôi nhà đã mọc lên, kiên cố có, cấp IV có, tạm bợ cũng có...  và đều là những ngôi nhà được dựng lên trái phép. Bên cạnh đó, trong những năm trở lại đây, rất nhiều hộ dân tiếp tục đổ đất, san nền, thay đổi hiện trạng đất đang sử dụng... nhằm mục đích lấn chiếm, lợi dụng phù hợp với quy hoạch để xây dựng nhà ở.

Ngang nhiên như thế, nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc để ngăn chặn, xử lý những trường họp vi phạm trên.

Ông Nguyễn Đăng Nam, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, cho biết: Khu đất này trước kia là đất nông trường, sau khi nhà nước xây dựng tuyến đường Quốc lộ 279, khu đất này trở thành một thùng vũng, luôn trong tình trạng ngập úng. Từ những năm 1988, người dân đã tự ý lấn chiếm, tự cải tạo, có hộ thì làm nhà, có hộ thì trồng lúa, nuôi trồng thủy sản. Việc để các hộ dân tự ý lấn chiếm cho thấy cán bộ quản lý đất đai của huyện Điện Biên lúc bấy giờ đã buông lỏng quản lý.

Theo Báo cáo số 1660/UBND/TNMT, ngày 26/7/2016 của UBND huyện Điện Biên, cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, xác định có khoảng 126 trường hợp đang sử dụng đất tại dọc Quốc  lộ 279, khu vực C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Trong đó, có 49 trường hợp đã xây dựng nhà ở và công trình trên đất; 77 trường hợp chưa có công trình xây dựng trên đất. Tổng diện tích đất được các hộ gia đình sử dụng là 2.94ha. Qua đó đề nghị UBND tỉnh Điện Biên, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, cho phép UBND huyện Điện Biên tổ chức triển khai công tác cấp GCNQSDĐ có thu tiền sử dụng đất theo hiện trạng và chuyển mục đích sử dụng đất cho các trường hợp đang sử dụng đất tại khu vực này.

Việc để người dân tự ý và tiếp tục đổ đất, san nền, thay đổi hiện trạng sử dụng đất trong những năm gần đây cho thấy công tác quản lý đất đai của huyện Điện Biên còn nhiều bất cập. Chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vi phạm tồn tại từ trước, lại để nảy sinh những vi phạm mới. Không biết đến bao giờ địa phương này mới có chế tài đủ mạnh để xử lý, ngăn chăn những trường hợp vi phạm tiếp tục phát sinh?

Người dân vẫn tiếp tục vi phạm trong khi chính quyền chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Người dân vẫn tiếp tục vi phạm trong khi chính quyền chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn.

Cần những quyết sách mạnh mẽ

Đứng trên phương diện của UBND huyện Điện Biên cũng rất khó để có thể tổ chức phá rỡ, cưỡng chế những trường hợp vi phạm như đã nêu ở trên. Bởi người dân nơi đây đã hình thành làng, bản sống tập trung đông đúc, phát triển kinh tế xã hội. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị tại các khu vực này. Song không vì thế mà chính quyền bỏ mặc cho các công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại.

Trên thực tế, cả khu bãi màu xã Thanh Hưng và khu vực dọc Quốc lộ 279, địa phận C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đều nằm nằm trong quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch vào mục đích đất ở, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện Điện Biên, được phê duyệt tại Quyết định số 730/QĐ-UBND, ngày 30/5/2016 của UBND huyện Điện Biên.

Vậy, làm thế nào để giải quyết vi phạm, vừa  thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; lại vừa đảm bảo lợi ích cho người dân thì cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Điện Biên.

Đề xuất phương án giải quyết, ông Nguyễn Đăng Nam, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, cho biết: Với các trường hợp vi phạm tại khu bãi màu xã Thanh Hưng, Sở TN&MT sẽ phối hợp với UBND huyện Điện Biên, UBND xã Thanh Hưng, xem xét, kiểm tra, rà soát, cấp GCNQSDĐ có thu tiền sử dụng, theo Điều 23, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính Phủ, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền.

Với các trường hợp vi phạm tại khu vực dọc đường Quốc lộ 279, xem xét cấp GCNQSDĐ cho những trường hợp đã có nhà ở theo điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, xử lý, cấp GCNQSDD, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có thu tiền sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tự ý lấn chiếm. Ngoài ra, những trường hợp chưa có nhà ở thì xem xét cấp đất theo hiện trạng sử dụng đất.

Ông Nam cũng khẳng định, sẽ chỉ xem xét cấp GCNQSDĐ đối với những trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014. Như vậy, những trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2014 sẽ không được cấp GCNQSDĐ, mà sẽ tiến hành thu hồi và tổ chức đấu giá. Hiện tại, Sở TN&MT đang báo cáo UBND tỉnh Điện Biên, xin chủ trương, giải quyết theo hướng đề xuất của huyện Điện Biên.

Như vậy, đã đến lúc, UBND tỉnh Điện Biên cần vào cuộc, có sự chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh Điện Biên và các phòng ban chuyên môn của huyện Điện Biên kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, có những quyết sách mạnh mẽ, đề ra chủ trương, giải pháp giải quyết dứt điểm đối với những vụ việc như trên, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên toàn tỉnh.

Bài & ảnh: Hà Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cần giải quyết dứt điểm sai phạm trong sử dụng đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO