Điện Bàn - Quảng Nam: Năm học mới tâm tư và kỳ vọng

05/09/2017 00:00

(TNMT) - Sáng 5/9, học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học 2017-2018 được kỳ vọng với nhiều đổi mới. Trước thềm năm học mới, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh rất mong mỏi. “Các thầy cô giáo hãy luôn thực hiện đúng quy định của ngành, của nhà nước, thực sự là tấm gương đẹp, đáng quý về nhân cách và đạo đức trong lòng những thế hệ học trò”.

Kỳ vọng của các bậc phụ huynh

Kỳ vọng của phụ huynh Trần Thị Trí cũng như các bậc phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS Lê Ngọc Giá – TX. Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là, các thầy cô giáo luôn làm chủ được mình, kiềm chế nóng giận, xử lý tốt những tình huống sư phạm, có khả năng cảm hóa, thuyết phục được nhiều em học sinh cá biệt, ngỗ ngược, lười biếng trong mọi hoàn cảnh. Trong ngày khai giảng, nhiều ý kiến mong muốn giảm tải chương trình, giáo viên được “cởi trói” khỏi những bài giảng khuôn mẫu, khô cứng, bớt kiến thức hàn lâm.

Hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng: các khoản thu đầu năm cần phải công khai và minh bạch. Trước khi tiến hành các khoản thu tự nguyện để mua sắm, sửa chữa cái nọ, cái kia thì nhà trường nên công khai mục đích sử dụng, kế hoạch, phương án công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt như thế nào và mức thu không được bó khung, cần xuất phát từ tính tự nguyện và điều kiện sống, khả năng kinh tế của từng phụ huynh. Ngoài ra, các khoản tiền để mua đồng phục, nước uống, sách vở, đồ dùng học tập… nên có sự phối hợp, thống nhất, công khai giữa đại diện ban cha mẹ học sinh và nhà trường về giá cả, số lượng, khối lượng, kích thước, màu sắc….Làm sao để gánh nặng tài chính khi con vào năm học mới bớt oằn trên đôi vai những bậc cha mẹ, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Phụ huynh Nguyễn Văn Sơn, TX. Điện Bàn (Quảng Nam) bộc bạch: Bản thân từng thầy cô phải không ngừng nâng cao phẩm chất, đạo đức nhà giáo. “Các thầy cô giáo hãy luôn thực hiện đúng quy định của ngành, của nhà nước, là tấm gương đẹp, đáng quý về nhân cách và đạo đức trong lòng những thế hệ học trò”. Từ đó, giúp cho hoạt động dạy học được đi vào nền nếp, quy củ, giảm thiểu và tiến tới không còn những hệ lụy, tiêu cực trong môi trường giáo dục phổ thông.

Đó là kỳ vọng tha thiết của hầu hết học sinh và các bậc phụ huynh trong năm học 2017 – 2018.

Điều ước của giáo viên

Hầu hết các giáo viên rất sợ phải “chạy sô” với các hội thi.  Chỉ vào năm học được khoảng 2 tuần là hầu như tất cả giáo viên phải tham gia với các hội thi. Trước là thi cho chính mình, sau là học trò.

Hội thi đầu tiên là thi “Giáo viên dạy giỏi cấp trường”. Năm nào hội thi này cũng diễn ra từ đầu năm và kết thúc vào khoảng giữa năm học. Giáo viên cũng trải qua 3 vòng thi là: sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực và thi 2 tiết dạy.

Nếu thầy cô nào được Ban giám hiệu chấm đạt giải thì tiếp tục lo thi tiếp hội thi “Giáo viên dạy giỏi cấp thị” hoặc “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”. Nội dung thi cũng gồm 3 vòng như trước, cứ xoay vòng vòng đến chóng mặt và tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Ngoài ra, thầy cô giáo chủ nhiệm nào cũng sợ phải đứng ra vận động phụ huynh nộp và thu tiền. Đủ các khoản tiền phải thu vào đầu năm học có thể kể sơ bộ như: tiền học phí, tiền đồng phục, tiền bảo hiểm, tiền văn phòng phẩm, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền quỹ hội, quỹ lớp, tiền mua sách giáo khoa, mua vở bài tập…

Những khoản tiền lớn sẽ giao cho thủ quỹ nhà trường thu, nhưng thầy cô vẫn luôn là người trực tiếp nhắc nhở, vận động thường xuyên. Một số phụ huynh có điều kiện  đóng luôn một lần thì giáo viên sẽ đỡ mất công ngày nào cũng nhắc, nhưng phần lớn phụ huynh đóng lắt nhắt suốt cả năm, nên nói đến việc vận động và thu tiền giáo viên nào cũng sợ.

Có lẽ, công việc gian nan và mệt mỏi nhất là việc vận động phụ huynh tham gia và đóng tiền bảo hiểm. Thầy cô nào muốn thu tiền bảo hiểm đạt tỉ lệ 100% để không bị nhắc tên trên hội đồng hay bị đưa vào danh sách “làm không tốt công tác chủ nhiệm” thì giáo viên đó phải có tài ăn nói, thuyết phục phụ huynh.

Khoản tiền thứ hai gian nan không kém là tiền quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh. Theo quy định, đây là khoản tiền tự nguyện phụ huynh nào muốn đóng thì đóng, không thì thôi và đóng bao nhiêu cũng được. Nhưng một lớp đâu phải phụ huynh nào cũng đồng ý nộp. Cho dù  phụ huynh đồng ý nộp thì cũng  nộp rải rác cả năm học. Thế rồi, hằng ngày lên lớp thay vì vào bài giảng ngay, giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng tiến hành thu tiền, sau đó nhắc nhở những học sinh chưa nộp, rồi mới bắt đầu vào bài giảng.

“Phụ huynh thấu hiểu cùng chung tay hỗ trợ với giáo viên trong việc tham gia đầy đủ các quy định của nhà trường, nộp các khoản tiền đúng hạn. Và ngành Giáo dục mạnh tay hạn chế những hội thi không cần thiết như tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục vừa qua, là những điều ước của các thầy cô trong năm học mới này. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều ước này không hề dễ dàng”- Cô giáo Nguyễn Thị Duyên- GVCN lớp 1 trường Tiểu học Văn Thanh Tùng, TX. Điện Bàn nói  

                                                                                  Bài & ảnh: Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Bàn - Quảng Nam: Năm học mới tâm tư và kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO