Điện Bàn (Quảng Nam): Hàng trăm hộ dân phải dùng nước bẩn

22/02/2017 00:00

(TN&MT) - Hàng chục năm qua, gần 200 hộ dân tại khối phố Cổ An 2 (P. Điện Nam Đông, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt. 

Nước giếng khi bơm lên có màu vàng đục và bốc mùi hôi
Nước giếng khi bơm lên có màu vàng đục và bốc mùi hôi

Hơn 10 năm dùng nước ô nhiễm

Mặc dù, chính quyền biết, người dân biết về thực trạng nguồn nước ô nhiễm nhưng họ không có lựa chọn nào khác nên bắt buộc phải sử dụng. Rất ít gia đình có điều kiện đầu tư bể lọc nước vì đa phần người dân ở đây đều còn khó khăn về kinh tế.

Bà Lê Thị Hoa (khối phổ Cổ An 2) cho biết: Trước kia, gia đình dùng trực tiếp nước ngầm bơm lên, nhưng gần đây, nước mới bơm lên đã ngả màu vàng, có váng và có mùi hôi nên không giám dùng để ăn uống nữa mà mua nước đóng bình về dùng, nước giếng bơm chỉ để tưới cây và rửa chén đũa, mua nước đóng bình cũng chỉ là giải pháp tình thế. 

Ông Phạm Hữu Văn (72 tuổi, khối phố Cổ An 2) không dấu được lo lắng, ông cho biết, đã nhiều năm, gia đình phải sử dụng nguồn nước không an toàn, nước bơm lên chỉ sau 2 ngày là chuyển màu, đóng váng, nhưng vẫn phải dùn, nước thủy cục, chưa kéo tới nơi, điều kiện kinh tế khó khăn không xây được bể lọc. 

Bể lọc nước nhà ông Phạm Hữu Đức chỉ qua vài lần lọc tấm lọc đã ngả màu vàng ruộm
Bể lọc nước nhà ông Phạm Hữu Đức chỉ qua vài lần lọc tấm lọc đã ngả màu vàng ruộm

Ông Phạm Hữu Đức- Trưởng khối phố Cổ An 2 cho biết: Điều bất thường là trước đây khi bơm nước lên cũng có phèn nhưng dùng được, nhưng những năm gần đây, nước đổi màu đục và nổi váng dày có mùi hôi. Mặc dù, tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, nhưng đến nay chính quyền các cấp cũng chưa có động thái gì.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, khối phố Cổ An 2 đã có 40 người chết vì ung thư già có, trẻ có mà gần đây là trường hợp của bà Thân Thị Giúp, Võ Thị Lự, ông Lê Trình… đều chết vì bệnh ung thư đây là hiện tượng bất thường đã khiến người dân ở đây không thể không lo lắng về nguồn nước đang sử dụng.

Người dân cho biết, trước kia, nền nhà ông Phạm Hữu Lực ở ngay đầu khối là kho thuốc trừ sâu lớn của Hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1978 tồn tại ở đó mấy chục năm trời, rò rỉ ngấm xuống có phải là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm hay không? Câu hỏi này chỉ có cơ quan chức năng cmới có thể trả lời.

Ông Phạm Hữu Đức lo lắng khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
Ông Phạm Hữu Đức lo lắng khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, xung quanh khu vực sinh sống của người dân cách đó vài trăm mét có hai nghĩa địa lớn tồn tại ở đây đã từ khá lâu. Mặc dù, đã có dự án di dời 2 nghĩa địa này để xây dựng Nhà máy cấp nước do Khu đô thị số 9 Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ năm 2011. Thế nhưng, sau khi di dời khoảng 2/3 số lượng mồ mả của nghĩa địa, dự án đã ngưng hoạt động, nguyên nhân được cho là đường ống dẫn nước từ Cầu Đỏ (TP. Đà Nẵng) đến đây là quá xa nên không khả thi, mặc dù, trước đó, chủ đầu tư đã tính toán và cam kết chắc như đinh đóng cột để người dân di dời mồ mả. Hiện nay, chủ đầu tư đã xin chuyển đổi thành dự án xây dựng khu dân cư chia lô bán nền nhưng đã không được người dân đồng tình và chính quyền phường Điện Nam Đông cũng đã thẳng thừng từ chối.  

“Lấy mẫu nhiều quá không có tiền để phân tích”

Trước sự phản ánh, kiến nghị quyết liệt của người dân thôn Cổ An 2 thông qua các kỳ họp hội đồng nhân dân, những lần tiếp xúc cử tri với sự có mặt của lãnh đạo thị xã Điện Bàn; UBND phường Điện Nam Đông cũng đã có tờ trình gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TX. Điện Bàn về thực trạng ô nhiễm trên vào tháng 6/2016.

Đến tháng 11/2016, Phòng TN&MT TX. Điện Bàn đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Nam lấy mẫu quan trắc nước ngầm tại khoảng giữa khu vực nhà ông Lê Viết Tiến, cán bộ khối phố Cổ An 2.

Tuy vậy, người dân không đồng tình vì cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu thử nghiệm ở 1/5 điạ điểm yêu cầu phải quan trắc là chưa phản ánh đúng thực trạng ô nhiễm, nên không thể có kết quả chính xác. Hơn nữa, vị trí lấy mẫu nước chưa phải là vùng trung tâm có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, nơi ô nhiễm nặng nhất là khu vực Hợp tác xã 3.

Khi Ông Lê Viết Tiến hỏi tại sao lại chỉ lấy 1 mẫu ở 1 vị trí mà lại không phải là 5 vị trí theo yêu cầu phải quan trắc? Một cán bộ quan trắc cho biết “lấy mẫu nhiều quá không có tiền để phân tích”.

Nguồn nước nhà bà Lê Thị Hoa chỉ sử dụng để rửa chén bát và tưới cây vì nước có mùi thối không sử dụng ăn uống được
Nguồn nước nhà bà Lê Thị Hoa chỉ sử dụng để rửa chén bát và tưới cây

Trả lời phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Thân Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông cho biết: Sau gần 4 tháng, Phòng TN&MT tiến hành lấy mẫu nước để phân tích, cho đến nay, chưa nhận được văn bản thông báo của Phòng TN&MT về kết quả quan trắc, nên cũng không biết phải trả lời và khuyến cáo bà con như thế nào trước tình trạng nguồn nước ô nhiễm nặng như hiện nay.

Không chỉ khối phố Cổ An 2 bị ô nhiễm, mà nhiều nơi trên địa bàn phường đều có hiện tượng này, khu vực 7A còn ô nhiễm nặng hơn vì nằm sát ngay nghĩa địa của thị xã. Ông Phước cho biết thêm, về lâu dài thì phải kéo nước thủy cục về để phục vụ bà con sinh hoạt, tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào tuyến đường 607 đi qua địa bàn phường, khi tuyến đường này làm xong mới có thể thực hiện được, mà theo lộ trình thì phải hết năm 2018.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong khi người dân đang hoang mang lo lắng vì nguồn nước họ đang sử dụng,cơ quan chức năng của thị xã Điện Bàn lại tiến hành quan trắc một cách qua loa và phát biểu một cách vô trách nhiệm?

                                                                                    Bài và ảnh:Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Bàn (Quảng Nam): Hàng trăm hộ dân phải dùng nước bẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO