"Điểm tựa" cho ngư dân bám biển

31/10/2017 00:00

  (TN&MT) - Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong khai thác trên biển, ngư dân trong tỉnh đã tự hình thành các tổ,...

 

(TN&MT) - Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong khai thác trên biển, ngư dân trong tỉnh đã tự hình thành các tổ, đội khai thác trên biển dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Trải qua thời gian, mô hình này đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tạo thế và lực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đoàn kết tạo sức mạnh

Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, việc khai thác hải sản trên biển theo kiểu “một mình một thuyền”, thường xuyên gặp nhiều rủi ro,… Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2005 đến nay, ngư dân trong tỉnh đã liên kết thành lập được 683 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản với tổng số 2.936 tàu cá tham gia; mỗi tổ, đội có từ 3 - 5 tàu cá. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có số tổ, đội đoàn kết được thành lập nhiều nhất, gồm 510 tổ, đội với 2.171 tàu; chủ yếu là các tàu khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương, câu mực; huyện Phù Cát có 80 tổ, đội với 365 tàu; Phù Mỹ có 52 tổ, đội với 229 tàu; TP Quy Nhơn có 41 tổ, đội với 171 tàu.

Việc hình thành các tổ, đội đoàn kết giúp ngư dân kiên tâm bám biển
Việc hình thành các tổ, đội đoàn kết giúp ngư dân kiên tâm bám biển

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bình Định), nhận xét: Các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển đều có quy ước về tổ chức và hoạt động được xã chứng thực và ra Quyết định thành lập tổ theo văn bản hướng dẫn về quy trình thành lập tổ đoàn kết của Sở NN&PTNT. Trong quá trình hoạt động các tàu cùng hỗ trợ trong mọi hoạt động như tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ trong khai thác, cung ứng nhiên liệu, tìm kiếm, cứu nạn, liên kết vận chuyển sản phẩm, hậu cần dịch vụ, lợi nhuận sau khi trừ phí tổn, phần lãi được chia đều cho các thuyền viên trong tổ. Hình thức này mang lại hiệu quả cao do các tàu cùng nhau hỗ trợ trong mọi khâu từ sản xuất đến vận chuyển sản phẩm giảm chi phí chuyến biển. Một số tổ đoàn kết liên kết theo hình thức này mang lại hiệu quả cao như: tổ đoàn kết làm nghề lưới vây cá ngừ của chủ tàu Bùi Thanh Ninh với 10 tàu cá ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), tổ đoàn kết làm nghề vây cá ngừ của chủ tàu Nguyễn Văn Ái với 4 tàu cá ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), tổ đoàn kết làm nghề vây ánh sáng của ông Nguyễn Văn Chất ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ)...

Ngư dân Nông Thanh Điền, chủ tàu cá, thành viên một tổ đoàn kết ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát), tâm sự: “Nhờ thành lập các tổ đoàn kết trên biển mà anh em ngư dân rất yên tâm khi bám biển khai thác và đùm bọc nhau lúc bị ốm đau, tai nạn trên biển, hiệu quả đánh bắt cũng cao hơn,…”.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, đánh giá: Hoạt động khai thác hải sản trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mỗi tổ, đội gồm 3-5 tàu cá tham gia, kịp thời thông tin với nhau về ngư trường đánh bắt những đàn cá lớn hơn, đạt sản lượng cao, nâng cao thu nhập, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu trong quá trình tìm kiếm ngư trường và khai thác hải sản, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai hoặc rủi ro đâm va trên biển và quan trọng là các thành viên tổ, đội đoàn kết giúp nhau làm công tác dịch vụ hậu cần trên biển để các tàu còn lại bám biển, bám ngư trường sản xuất. Đồng thời, Nhà nước còn hỗ trợ cho các tàu tham gia tổ, đội đoàn kết những trang thiết bị thông tin liên lạc giữa trong bờ và tàu đánh bắt ngoài khơi, nhằm mục đích đảm bảo nguồn thông tin liên lạc giữa Chi cục và tàu, nắm bắt kịp thời tình hình và nắm được ngư trường người dân đang khai thác trên biển, hạn chế được tàu thuyền xâm phạm vào vùng lãnh hải của nước khác.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Hoài Nhơn là địa phương có số tổ, đội đoàn kết được thành lập nhiều nhất của tỉnh với 510 tổ. Hiệu quả mà tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển mang lại sau những chuyến biển không chỉ là những khoang cá đầy, mà trong quá trình đánh bắt trên biển, các tổ đội cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng, góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, góp phần bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển, đảo.

Khắc phục hạn chế, nhân rộng mô hình

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc thành lập tổ, đội đoàn kết vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục tiếp trong thời gian tới. Đó là tình trạng giữa các tàu, các tổ vẫn chưa tích cực thông báo cho nhau về những ngư trường có nhiều hải sản do chủ tàu muốn giấu ngư trường, hoặc do không muốn bị điều động phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, do một số tàu thuyền không đăng ký tần số thực của máy thông tin hoặc thường xuyên thay đổi nên khi xảy ra các sự cố trên biển gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn. Nhiều tổ cũng chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, liên kết với nhau để ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biển thủy hải sản để hạn chế bị tư thương ép giá.

Tàu BĐ 94439-TS rẽ sóng vươn khơi đánh bắt ở ngư trường trên quần đảo Trường Sa
Tàu BĐ 94439-TS rẽ sóng vươn khơi đánh bắt ở ngư trường trên quần đảo Trường Sa

Có những hạn chế, khó khăn trên là do tại một số địa phương, ngư dân vẫn khai thác mang tính tự cấp, tự túc, thiếu vốn sản xuất, sự hợp tác chưa thực sự sâu sắc; các tổ trưởng, thuyền trưởng thiếu kỹ năng quản lý phòng tránh thiên tai và phát triển tổ, đội khai thác xa bờ. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, để dần xóa bỏ tính tự cấp, tự túc trong sản xuất của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, Chi cục đề xuất với các bộ, ngành Trung ương sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ, đội. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ vốn vay để các tổ, đội đầu tư tàu dịch vụ hậu cần, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thời gian tới, các địa phương ven biển sẽ là “đầu mối” trách nhiệm trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia vào tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; trực tiếp xây dựng quy chế hoạt động theo đặc thù sản xuất nghề cá tại địa phương.

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Điểm tựa" cho ngư dân bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO