Thực hiện tốt hơn công tác định giá đất
Dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS” có nhiều hợp phần, được thực hiện thí điểm tại 4 địa phương là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, hợp phần phát triển phương pháp, mô hình định giá đất và quy trình định giá đất đã hoàn thành điều tra, phân tích hiện trạng định giá đất đang áp dụng ở Việt Nam như: Phân tích phương pháp và quy trình định giá đất theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phân tích hiện trạng về công tác định giá đất. Bên cạnh đó, phân tích hiện trạng thông tin giá đất, về số hóa dữ liệu liên quan đến định giá đất của Việt Nam như: Tổng hợp thông tin các thửa đất, nhập giá đất theo bảng giá đất tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Về xây dựng phương pháp, mô hình định giá đất đã hoàn thành bước điều tra các đặc tính của thửa đất tại 4 tỉnh, thành phố và tiến hành lựa chọn thửa đất chuẩn. Rà soát, góp ý, bổ sung các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất của Việt Nam nói chung, địa bàn thí điểm nói riêng. Tổ chức điều tra thực địa, phân tích về đặc tính thửa đất tại địa bàn thí điểm. Tổ chức triển khai mô hình, quy trình thực hiện định giá đất tại các địa bàn thí điểm theo 9 bước như theo mô hình: Lựa chọn và quản lý thửa đất chuẩn; điều tra và định giá cho thửa đất chuẩn; phân tích và lựa chọn đơn vị lập bảng; lập bảng so sánh; điều tra đặc tính của thửa đất cụ thể; lựa chọn thửa đất chuẩn để so sánh; áp dụng tỷ lệ so sánh trong bảng so sánh; định giá đất cụ thể; kiểm định giá đất cụ thể.
Về thiết kế, xây dựng Phần mềm hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS theo mô hình tại Trung ương đã quản lý thửa chuẩn, nhập đặc tính thửa đất chuẩn, giá thửa chuẩn; lập bảng so sánh theo phân tích hồi quy qua thửa chuẩn; tại địa phương đã định giá thửa cụ thể như: Nhập đặc tính thửa cụ thể, chọn thửa chuẩn làm thửa so sánh, áp dụng bảng so sánh, định giá thửa cụ thể, kiểm định giá đất cụ thể.
Bên cạnh đó, hợp phần phát triển mô hình hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS đến nay đã hoàn thành tài liệu thiết kế tổng thể hệ thống; xây dựng hệ thống thông tin giá đất; quản lý khảo sát đặc tính thửa… Hoàn thành chuẩn hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của hai huyện được lựa chọn tại tỉnh Vĩnh Phúc và TP. Cần Thơ; nhập các dữ liệu về giá đất và các thông tin khác có liên quan đến giá đất của các địa bàn thử nghiệm được lựa chọn tại các tỉnh, TP. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ; thực hiện chuẩn hóa, chuyển đổi toàn bộ cơ sở dữ liệu địa chính quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và xây dựng cở sở dữ liệu địa chính 3 xã, thị trấn Gia Khánh, Thiện Kế, Bá Hiến thuộc huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.
Về nâng cấp các chức năng của VietLIS, đã nâng cấp chức năng của VietLIS hiện đang sử dụng: Hoàn thiện chức năng Quản lý đăng ký đất đai cho người dân để xây dựng hệ thống tiếp nhận và các giao dịch đăng ký đất đai qua mạng; nâng cấp chức năng về đăng ký đất đai của VietLIS phù hợp với quy định hiện hành của công tác quản lý Nhà nước về đất đai; thiết kế chức năng chi tiết trên cơ sở các nội dung mô tả các chức năng đã thống nhất với nhóm Hệ thống của Ban Quản lý Dự án; thiết kế hệ thống biên tập, nâng cấp cổng thông tin điện tử (E-portal), đăng ký đất đai qua internet; hoàn thành chỉnh sửa chức năng quy trình nghiệp vụ (BPM), hoàn chỉnh chức năng in giấy chứng nhận, chức năng quản lý lịch sử Giấy chứng nhận/bản đồ địa chính theo quy định hiện hành. Cập nhật, chỉnh sửa các yêu cầu thực tế từ phía địa phương đang sử dụng VietLIS (Bắc Ninh: 11 yêu cầu; TP. Đà Nẵng: 52 yêu cầu).
Hoàn thành và nhân rộng
Tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS, ông Kim Jinoh, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam cho rằng, hệ thống VietLIS, sản phẩm của dự án lần này được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam sẽ góp phần hiện đại hóa cơ chế quản lý hành chính trong lĩnh vực đất đai và rộng hơn nữa là góp phần vào sự an toàn và phát triển của quốc gia. “Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0, để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu bước vào đội ngũ các nước tiên tiến với nền tảng công nghệ công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, KOICA sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực cho Việt Nam” - ông Kim Jinoh nói.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Đây là thời điểm hết sức quan trọng để đưa dự án Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS, trong đó, áp dụng công nghệ thông tin và đưa kinh nghiệm quản lý của Hàn Quốc để góp phần phục vụ quá trình hình thành Chính phủ điện tử nói chung và việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói riêng và cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường nói chung. Bộ trưởng yêu cầu, Ban Quản lý dự án, các đơn vị quản lý của Tổng cục Quản lý Đất đai làm việc hết sức trách nhiệm để dự án mang lại hiệu quả như mong muốn của các cơ quan phía Hàn Quốc để dự án có sức lan tỏa để từ 4 địa phương tham gia thực hiện Dự án gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ, sau đó, sẽ triển khai ra toàn quốc.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án điều tra giá thị trường của thửa chuẩn tại các địa bàn thí điểm để đưa vào mô hình định giá; xây dựng quy trình nghiệp vụ sau khi đề xuất mô hình định giá đất và áp dụng mô hình định giá đất và quy trình nghiệp vụ lên hệ thống thông tin giá đất. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển và lộ trình về phát triển định giá đất cho Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện phần mềm Hệ thống thông tin giá đất, hoàn thiện việc nâng cấp phần mềm hệ thống đăng ký đất đai VietLIS…
Dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLIS” do Bộ TN&MT phối hợp với KOICA (Hàn Quốc) xây dựng và triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực định giá đất của Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên phạm vi toàn quốc, tạo đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng (từ 6/2017 - 6/2019) với tổng vốn dự án: 9.900.000 đô la Mỹ. |