Di sản địa chất tại Việt Nam: "Mỏ vàng" sơ khai

31/03/2015 00:00

(TN&MT) - Việt Nam – đất nước được thiên nhiên ban tặng nhiều di sản địa chất thiên tạo phong phú và độc đáo. Song đáng tiếc, một số di sản địa chất có cấu tạo đặc biệt phong phú xếp hàng đầu thế giới  nhưng trong nước vẫn chưa được quan tâm phát triển.

Di sản địa chất phong phú nhất thế giới

Hiện ở nước ta đã có 4 khu bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản địa chất có giá trị rất cao về cảnh quan, thẩm mỹ đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu di lịch sinh thái Tràng An và Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành Công viên Địa chất toàn cầu. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, chỉ tính riêng miền bắc của nước ta cũng có khoảng 15 khu vực di sản địa chất có triển vọng thành lập công viên địa chất quốc gia và 6 khu vực có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu như khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn Cát Bà, vườn quốc gia Hoàng Liên – Lào Cai, Thác Bà của Yên Bái, vườn quốc gia Cúc Phương, cố đô Hoa Lư…

Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Tổng cục ĐC – KS Việt Nam): Không chỉ giàu tài nguyên di sản địa chất thiên tạo, nước ta còn có tiềm năng lớn về di sản địa chất nhân tạo. Các di sản địa chất này được tạo nên thông qua các hoạt động khai thác khoáng sản của con người. Đến nay, một số mỏ có thể trở thành điểm du lịch di sản địa chất như: Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn), mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh)... Trong đó, mỏ than Na Dương là một khu di sản địa chất rất độc đáo. Được sự tư vấn của các nhà địa chất, Công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khai thác hết than mà không phải hoàn nguyên.

Di sản địa chất hang động núi lửa Đắc Nông vẫn vất vả tìm cách bảo tồn và khai thác
Di sản địa chất hang động núi lửa Đắc Nông vẫn vất vả tìm cách bảo tồn và khai thác

Tiềm năng di sản cả về thiên tạo và nhân tạo đều được đánh giá là phong phú nhưng đến thời điểm này nước ta chưa xây dựng được một công viên địa chất hay khu bảo tồn địa chất cấp quốc gia trên những di sản địa chất nói trên. Sau nhiều cố gắng và phải có sự hỗ trợ đắc lực của tổ chức UNESCO thì cả nước đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất một công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Lý giải về sự chậm chễ này, ông La Thế Phúc – người bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu về lĩnh vực này bày tỏ: Từ phía Chính phủ, do ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn cho nên chưa có sự đầu tư đúng tầm và dài hơi cho lĩnh vực này. Về phía các doanh nghiệp, các công ty ngoài quốc doanh, các nhà đầu tư (tư nhân) Việt Nam cũng có nhiều khó khăn do mới bước vào nền kinh tế thị trường, chỉ dám đầu tư nhỏ lẻ cho những lĩnh vực sản sinh ngay lợi nhuận trước mắt mà chưa dám đầu tư lớn cho lĩnh vực mới mẻ này trên cơ sở hạ tầng yếu kém. Vì thế, cho đến nay nước ta chưa có công viên địa chất nào được xây dựng. Đó là một sự rất đáng tiếc!

Không được gọi danh vì thiếu cơ sở pháp lý

Nhiều nhà khoa học địa chất cho rằng:  Công tác bảo tồn di sản địa chất còn kém so với bảo tồn thiên nhiên khác (như bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học). Để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, từ năm 1962 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định thành lập được 128 khu rừng đặc dụng, 28 vườn quốc gia, 62 khu bảo tồn thiên nhiên và 38 khu rừng bảo vệ cảnh quan, trong đó có một số khu bảo tồn đặc biệt, được quốc tế công nhận như Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong khi đó, công tác bảo tồn di sản địa chất ở Việt Nam còn ở mức độ thấp, chưa có một khu bảo tồn địa chất nào được thành lập. Sự thật cũng đáng để suy nghĩ khi cả hai di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam là Vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận, trong đó các tiêu chí địa chất - địa mạo có vai trò quyết định. Đặc biệt như cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc được công nhân là công viên địa chất toàn cầu cũng dựa chủ yếu trên các tiêu chí địa chất - địa mạo.

Hiện nay, các văn bản pháp quy liên quan tới bảo vệ bảo tồn di sản nói chung đã có. Từ các văn bản pháp quy có hiệu lực cao là các luật (như: Luật Di sản, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường...); văn bản dưới luật có các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật; và các thông tư của các Bộ ngành, liên Bộ ngành, đến các văn bản pháp quy ở mức thấp hơn là các quy định, nội quy, quy chế của chính quyền địa phương (như tỉnh, huyện, xã) và các cơ quan quản lý trực tiếp (là các Ban quản lý ở các Khu di sản, Vườn quốc gia…). Thế nhưng, nội dung các văn bản này còn chung chung, khái niệm về di sản địa chất chưa được xác định và làm rõ, chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học địa chất, về di sản địa chất, về bảo vệ môi trường thiên nhiên... còn yếu kém cả về nội dung lẫn hình thức. Người dân và thậm chí cả các doanh nghiệp, cơ quan chủ quản chưa nhận thức được ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc bảo tồn di sản địa chất, vì vậy luôn có sự xung đột giữa phát triển cơ sở hạ tầng (như xây dựng nhà cửa dịch vụ, nhà dân sinh, làm đường giao thông, khai thác khoáng sản...), phát triển dịch vụ du lịch với bảo tồn di sản địa chất... Vì thế, nhiều di sản địa chất đã bị phá huỷ, như di sản hoá thạch cá ở Đồ Sơn (Hải Phòng) do làm đường giao thông, hoá thạch thực vật ở Nà Dương (Lộc Bình, Lạng Sơn) do khai thác than, đá bazan dạng cột ở xã Đăk Nia (Đăk Nông) do khai thác làm đá cảnh và vật liệu xây dựng…

Bài và ảnh: Quảng Minh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản địa chất tại Việt Nam: "Mỏ vàng" sơ khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO