Di dời dân vùng sạt lở ở Phú Yên: Dân chưa chịu đến nơi ở mới

15/11/2013 00:00

Hiện còn hàng trăm hộ dân ở 10 thôn, buôn đang sinh sống dọc bờ sông Ba (Phú Yên) thường xuyên bị nước lũ uy hiếp nhưng chưa thể di dời đến nơi ở mới.

   
(TN&MT) - Hiện còn hàng trăm hộ dân ở 10 thôn, buôn thuộc các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang, huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) đang sinh sống dọc bờ sông Ba thường xuyên bị nước lũ uy hiếp nhưng chưa thể di dời đến nơi ở mới.
   
  Thực trạng sạt lở bờ sông Ba thuộc địa bàn các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang diễn ra nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, mùa mưa lũ năm 2009, khi nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 14.500m3/s, gây xâm thực mạnh bờ sông Ba, làm một số khu dân cư bị chia cắt, trực tiếp uy hiếp cuộc sống của 690 hộ gia đình với hơn 2.800 nhân khẩu thuộc các xã Đức Bình Tây, Đức Bình Đông và Sơn Giang. Riêng buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây bị cô lập hoàn toàn. Đến năm 2010, UBND huyện Sông Hinh tổ chức họp lấy ý kiến trong dân tìm giải pháp di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt và được UBND tỉnh thống nhất cho phép triển khai các dự án di dân vùng ngập lũ đến nơi ở mới an toàn với tổng kinh phí 133,797 tỉ đồng. Trong đó buôn Mả Vô và thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây được đầu tư 72,124 tỉ đồng; thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông 12,605 tỉ đồng; các thôn Hà Giang, Phước Giang, Lộc Giang, Tân Giang, Vĩnh Giang, Vĩnh Lương và Vạn Giang, xã Sơn Giang 49,068 tỉ đồng.
   
Lũ ln gây xâm thc đt sn xut ca người dân dc b sông Ba, huyn Sông Hinh
    
   
  Dự án di dân buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) phục vụ di dời 69 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê đang sinh sống ở buôn Mả Vôi cũ ven bờ sông Ba thường xuyên bị sạt lở. Dự án này có diện tích 7,6 ha cơ bản hoàn thành vào năm 2012. Sau đó, huyện tiến hành di dời dân nhưng đến nay mới chỉ có 28 hộ chuyển đến nơi ở mới. Ông Y BLao, Bí thư Chi bộ buôn Mả Vôi cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu định cư mới, bà con ai cũng phấn khởi đồng tình. Tuy nhiên, bà con chưa thể di dời là do chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, quá thấp; trong khi đó, hầu hết người dân còn nghèo và ai cũng muốn làm nhà sàn, nhưng theo họ nhà nhỏ nhất cũng phải mất từ 70-80 triệu đồng nên không đủ điều kiện để chuyển đi.”.
   
  Hiện còn hơn 40 hộ dân vẫn sinh sống tại buôn Mả Vôi cũ trong tình trạng vô cùng nguy hiểm vì nhà ở nằm cách bờ sông Ba chỉ vài chục mét. Trong khi đó, hàng năm, mỗi khi có mưa lớn cộng với thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, xâm thực vào đất liền từ 3-7m. Hậu quả, không chỉ mất đất sản xuất, mà hàng chục nhà dân đứng trước nguy cơ bị nước lũ uy hiếp.
   
  Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây khẳng định: “Mặc dù bà con còn nhiều khó khăn nhưng giải pháp chúng tôi đưa ra là tiếp tục vận động các hộ còn lại vào buôn mới định cư. Hiện nay, bà con đang thu hoạch hoa màu để có thêm tiền làm lại nhà trong buôn Mả Vôi mới. Địa phương đã đề ra mục tiêu, đến năm 2014 vận động di dời tất cả 69 hộ vào nơi ở mới để ổn định cuộc sống”.
   
  Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho biết thêm, huyện đã lập nhiều dự án để di dời ít nhất 690 hộ dân đang sinh sống dọc vùng sạt lở sông Ba thuộc các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên mới chỉ đầu tư xây dựng khu di dân buôn Mả Vôi với dự toán kinh phí 35 tỉ đồng. Đến nay, khu di dân buôn Mả Vôi cơ bản hoàn thành với kinh phí gần 20 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 12 tỉ đồng nên gặp rất nhiều khó khăn”. Theo ông Định, về lâu dài khu di dân buôn Mả Vôi sẽ được đầu tư thêm hai hạng mục quan trọng là hệ thống thủy lợi tưới cho khoảng 80 ha lúa, mía và cung cấp nước sạch cho bà con.
   
  Để có hệ thống nước sạch, huyện Sông Hinh đã xây dựng hai phương án, một là kéo đường ống từ Nhà máy nước Hai Riêng về cung cấp, hai là khai thác nguồn nước từ hồ thủy điện Sông Ba Hạ với kinh phí đầu tư khoảng 17 tỉ đồng. Hiện nay, huyện cũng đã phê duyệt xây dựng một trạm bơm để tưới cho 80 ha lúa và mía. Nhưng do không có kinh phí nên phải lồng ghép các chương trình, dự án, trong đó có chương trình 30a được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và tỉnh là vô cùng cần thiết, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
   
Phương Nam
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di dời dân vùng sạt lở ở Phú Yên: Dân chưa chịu đến nơi ở mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO