Đến hồ Tây, không còn phải "mất tiền để mua chỗ ngồi"

16/02/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm về trước, tình trạng chiếm dụng ghế đá ở hồ Tây để kinh doanh, đặc biệt là bán hàng nước là một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc cho dư luận. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của UBND quận Tây Hồ, người dân và du khách đến nghỉ ngơi, thăm quan hồ Tây không còn phải chịu cảnh “Muốn ngồi ghế đá công cộng, phải uống nước và trả tiền!”.

Theo quan sát của PV Báo điện tử TN&MT, khung cảnh xung quanh hồ Tây giờ đây đã thay đổi đáng kể. Nhiều ghế đá quanh bờ hồ đã “khoác” trên mình một bức tranh mới, không phải là hình ảnh những chiếc ghế đá được “định vị” bằng những chai nước, đĩa hướng dương hay quả dừa của những chủ hàng nước.

Quan sát thấy nhiều người đi tập thể dục hay đến hồ Tây để nghỉ ngơi, thư giãn có thể tựa lưng thoải mái trên những chiếc ghế đá trên bờ hồ thay vì việc mỗi người phải gượng ép uống 1 ly nước ngọt hay nước dầm hoa quả với giá 10.000 – 20.000 đồng để được ngồi như trước.
 

Nhiều biển báo cấm bán hàng và cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép được đặt quanh hồ Tây

 

Nhiều biển báo cấm bán hàng và cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép được đặt quanh hồ Tây

 

Hình ảnh những chiếc ghế đá ở bờ hồ Tây đã được “bao thầu” khoảng 1 năm về trước

 

Hình ảnh những chiếc ghế đá ở bờ hồ Tây đã được “bao thầu” khoảng 1 năm về trước

 

Hầu hết những chiếc ghế đá ở đoạn đường Thanh Niên và phố Nguyễn Đình Thi chạy ven hồ Tây đều được định vị bằng những chai nước, bình nước, phích nước và ghế nhựa…

 

Hầu hết những chiếc ghế đá ở đoạn đường Thanh Niên và phố Nguyễn Đình Thi chạy ven hồ Tây đều được định vị bằng những chai nước, bình nước, phích nước và ghế nhựa…

Cách chúng tôi không xa là đôi bạn trẻ đang ngồi ghế đá hóng gió và chuyện trò vui vẻ. “Em không nghĩ rằng mình có thể ngắm cảnh “miễn phí” ở hồ Tây như thế này đâu. Trước đây, mỗi lần đến hồ Tây, để được ngồi ghế đá, chúng em đều phải mất ít nhất là 10.000 đồng/người để mua nước uống hoặc hạt hướng dương của những bà bán nước!” – một bạn gái tên Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Cụ ông Nguyễn Quang Lực 70 tuổi, sống tại phường Thụy Khuê, thường xuyên đi tập thể dục qua đây dừng lại góp vui: "Hồ Tây bây giờ không còn cảnh ngồi nền gạch, bãi cỏ hay ngồi trên xe máy để hóng gió, thư giãn nữa rồi các cháu ạ! Khoảng 1 năm về trước, bác thường xuyên phải chịu cảnh bỏ tiền ra để mua chỗ ngồi trong khi ghế đá là ghế công cộng. Có lẽ, do dân kêu nhiều quá nên các cấp chính quyền đã quyết tâm xử lý triệt để các trường hợp vi phạm an ninh trật tự (ANTT) bờ hồ?!".

Câu hỏi của cụ ông Nguyễn Quang Lực cũng là sự ngạc nhiên của nhiều người khi đến hồ Tây. Lý giải điều này, ông Nguyễn Lê Hoàng – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Xác định đường Thanh Niên là tuyến đường thu hút lượng lớn khách du lịch và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước tới tham quan, thư giãn, trong những năm qua, UBND quận Tây Hồ luôn chú trọng đảm bảo ANTT, VSMT khu vực đường Thanh Niên nói riêng và cả Hồ Tây nói chung và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý trật tự đô thị của quận.

Là đường ven hồ, đoạn đường Thanh Niên giờ đây đã trở nên xanh – sạch – đẹp hơn trước bởi không còn cảnh tượng chiếm dụng ghế đá để kinh doanh
Là đường ven hồ, đoạn đường Thanh Niên giờ đây đã trở nên xanh – sạch – đẹp hơn trước bởi không còn cảnh tượng chiếm dụng ghế đá để kinh doanh

Về những biện pháp cụ thể, ông Nguyễn Lê Hoàng nhấn mạnh: Hàng năm, đặc biệt là trong các năm 2014, 2015, UBND quận đã chỉ đạo Ban chỉ đạo 197 quận, UBND – Ban chỉ đạo 197 phường Thụy Khuê, Yên Phụ thực hiện các biện pháp như: Tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan Hồ Tây, phát hiện và tố giác vi phạm; thiết lập đường dây nóng; tổ chức các đợt ra quân cao điểm chấn chỉnh trật tự đô thị; bố trí lực lượng tuần tra, ứng trực xử lý các trường hợp vi phạm; yêu cầu các đối tượng vi phạm ký cam kết không kinh doanh trái phép tại khu vực Hồ Tây; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm…

Từ trẻ nhỏ đến người già đều thích thú tìm đến hồ Tây để có được những bức ảnh đẹp đầu Xuân
Từ trẻ nhỏ đến người già đều thích thú tìm đến hồ Tây để có được những bức ảnh đẹp đầu Xuân

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch quận Tây Hồ thừa nhận tại khu vực đường Thanh Niên, đôi khi vẫn còn hiện tượng một số cá nhân bán hàng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới khách du lịch.

Nguyên nhân tồn tại một số trường hợp này, theo ông Nguyễn Lê Hoàng là do ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân rất kém, thường xuyên tái vi phạm dù đã bị nhắc nhở, xử lý hành chính nhiều lần. Ông Hoàng dẫn chứng, các đối tượng tìm nhiều biện pháp đối phó với cơ quan chức năng như: trốn tránh, vứt một số đồ đạc lấn chiếm xuống Hồ Tây, hồ Trúc Bạch (địa bàn quận Ba Đình) khi có lực lượng kiểm tra. Sau khi đoàn kiểm tra đi thì tiếp tục quay lại để bán hàng.

Hầu hết người dân và du khách trong và ngoài nước đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đến hồ Tây bởi họ không còn phải gượng ép bỏ tiền túi ra để mua… chỗ ngồi

 

 

Hầu hết người dân và du khách trong và ngoài nước đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đến hồ Tây bởi họ không còn phải gượng ép bỏ tiền túi ra để mua… chỗ ngồi

“Việc xử lý các trường hợp rất khó khăn do không bắt được quả tang, một số đối tượng chỉ mang theo một túi đồ nhỏ, khi bị kiểm tra thì xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân như khách du lịch bình thường. Đối với người dân, khi gặp hiện tượng tiêu cực, họ còn e ngại, né tránh, không thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý…” – ông Nguyễn Lê Hoàng chia sẻ.

Thiết nghĩ, với các biện pháp trên cùng với ý thức tuân thủ pháp luật nghiêm túc của các cá nhân, tình hình trật tự, VSMT tại khu vực đường Thanh Niên nói riêng và khu vực Hồ Tây nói chung đã, đang và sẽ có những chuyển biến tích cực, môi trường cảnh quan ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp, văn minh và hiện đại.
 

Bài & ảnh: Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến hồ Tây, không còn phải "mất tiền để mua chỗ ngồi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO