Theo đề xuất, dự án điện gió ngoài khơi Intracom – Quảng Trị có quy mô công suất 1000 MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tua bin) 350 ha, diện tích chiếm đất tạm thời 5 ha. Công suất tua bin 6,25 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 72.000 tỷ đồng.
Một số hạng mục chính của dự án: Máy phát Tuabin gió (WTG), hệ thống truyền tải và liên kết ngoài khơi, trạm biến áp, cáp truyền tải và cáp liên kết...
Phạm vi khảo sát dự án cách 15km so với Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, cách cảng Mỹ Thủy 8 km, qua khảo sát bước đầu khu vực nghiên cứu dự án không chồng lấn vào vùng biển an ninh quốc phòng, không chồng chéo khu vực nuôi trồng thủy sản của ngư dân và quy hoạch cảng Mỹ Thủy.
Hai phương án đấu nối điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào lưới điện quốc gia được nhà đầu tư đề xuất thực hiện: Phương án 1, điện gió ngoài khơi Intracom – Quảng Trị đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500kV Vũng Áng đi Đà Nẵng; Phương án 2 sẽ đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500 kV Quảng Trạch đi Dốc Sỏi... Theo đó, phương án 1 được ưu tiên lựa chọn bởi đảm bảo giải tỏa toàn bộ công suất dự án, tăng cường nguồn cung cấp điện trực tiếp cho khu vực có phụ tải lớn là trung tâm kinh tế Vũng Áng.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Đây là dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, qua đó đánh giá cao quyết tâm của nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng đề nghị các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư lập quy hoạch dự án bên cạnh hiệu quả về kinh tế phải đảm bảo các quy định pháp luật về: Tuyến đường thủy nội địa, quy hoạch biển đảo, môi trường sinh thái, ngư trường, đời sống ngư dân...
Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư tiếp thu ý kiến các sở ban ngành liên quan về quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án đảm bảo đúng quy định. Đồng thời giao Sở Công thương làm cơ quan đầu mối hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan, dự thảo UBND tỉnh văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, nhà đầu tư chuẩn bị giải trình các yếu tố liên quan để bổ sung hồ sơ điện VIII theo yêu cầu trung ương, địa phương. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan, đáp ứng hồ sơ theo yêu cầu báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch điện VIII...
Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, phát triển các nguồn năng lượng mới. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 671 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 187 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 167 MW...