Đề xuất giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh

09/06/2014 00:00

(TN&MT) - Các đại biểu cho rằng, việc quản lý đất nông lâm trường thời gian qua thiếu chặt chẽ dẫn tới tranh chấp, lấn chiếm đất đai ở địa phương.

   
(TN&MT) - Thảo luận tại Hội trường về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 vào chiều 9/6, đa số đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội nên chọn giám sát chuyên đề 3 về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.
   
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu
   
  Các đại biểu cho rằng, việc quản lý đất nông lâm trường thời gian qua thiếu chặt chẽ dẫn tới tranh chấp, lấn chiếm đất đai ở địa phương. Việc thực hiện đổi mới và sắp xếp đất nông, lâm trường chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương chưa thực hiện được. Theo các đại biểu, qua giám sát Quốc hội ban hành Nghị quyết, đề ra các giải pháp quản lý tốt hơn việc chuyển đổi đất nông, lâm trường hoặc sắp xếp giao đất nông trường cho địa phương quản lý, giao đất cho nông dân, tạo thêm quỹ đất sản xuất.
   
  Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) khẳng định, việc giám sát sử dụng đất đai nông lâm trường quốc doanh là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu, đây là một trong những vấn đề lớn đã đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian vừa qua. Đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại trong thời gian vừa qua, cần có sự giám sát để tìm ra được các giải pháp tích cực về chính sách khắc phục trong thời gian tới.
   
  Lý giải việc chọn chuyên đề giám sát đất nông, lâm trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, qua thực tế khảo sát và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2013 đại biểu được biết ở nhiều nơi đồng bào được cấp đất, nhưng cấp chồng lấn trên đất của nông trường, lâm trường nên họ không vào làm được. Có nơi trong lúc dân thiếu đất sản xuất, đất ở thì cũng ở nơi đó diện tích đất những nông trường, lâm trường không sử dụng hết còn bỏ hoang hóa.
   
  Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị, chuyên đề này nên mở rộng giám sát thêm trong số đất được cấp cho hộ nghèo vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hộ nghèo khai thác sử dụng được đạt hiệu quả bao nhiêu phần trăm.  Bởi lẽ thực tế, “Tuy họ đã được cấp đất nhưng không có điều kiện sử dụng, khai thác như chồng lấn, xa nhà, chủ cũ không trả, người nơi khác đến mua thu gom, việc này hiện nay đang còn bỏ ngỏ, không ai nắm được” – đại biểu nói.
   
  Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề xuất Quốc hội giám sát chuyên đề 3. Theo đại biểu, việc quản lý sử dụng đất đai hiện còn nhiều tồn tại. Cả nước có 303 tổ chức, công ty, Ban quản lý rừng với 3,8 triệu ha nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được khoảng 2 triệu ha, đạt 52,8% trong khi tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả nước đạt trên 94%. Đặc biệt, diện tích đất nông lâm trường chưa sử dụng còn nhiều với 315 ngàn ha. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các nông lâm trường diễn ra khá phổ biến. Không  chỉ ở nông lâm trường mà ở các tập đoàn các tổng công ty, khu công nghiệp cũng có tình trạng quản lý đất kém hiệu quả. “Việc giám sát nội dung này giúp Quốc hội đưa ra những quyết định quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, quản lý đất đai chặt chẽ hơn khắc phục lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai nhất là tại các nông lâm trường. Đồng thời, tạo quỹ đất giúp cho hộ gia đình còn thiếu và không đất ở, đất sản xuất nhất là đồng bào dân tộc thiểu số” – đại biểu Danh Út khẳng định.
   
  Hiện tại còn hơn 326 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có quỹ đất, rất cần đất để an cư và sản xuất, hạn chế di cư tự do.
   
  Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh hết sức bức xúc, gắn liền với việc tái cấu trúc nền nông nghiệp.
   
  Đại biểu kiến nghị, việc giám sát này có thể giao cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội và Ủy ban kinh tế. Tùy theo mục đích cụ thể mà Quốc hội giao cho một cơ quan chủ trì. “Chúng ta giám sát để đề xuất hướng sử dụng có hiệu quả nhất, tốt nhất cho nông trường viên, cho quỹ đất và cho phát triển của nền nông nghiệp” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
   
Thúy Hằng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO