Đề xuất giải pháp thoát nghèo

07/06/2014 00:00

(TN&MT) - Chính sách giảm nghèo hiện nay không khuyến khích được người dân thoát nghèo mà lại tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

   
(TN&MT) - Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách hiện nay không khuyến khích được người dân thoát nghèo mà lại tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, cần có giải pháp phù hợp với thực tế để giúp người thực sự nghèo thoát nghèo. 
   
Tỷ lệ tái nghèo cao
   
  Báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012.
   
Điều tra hộ nghèo ở cơ sở
   
  Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chuẩn nghèo hiện nay quá thấp không còn phù hợp; vì thế không khuyến khích được người dân thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng. Đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến một nửa. Tỷ lệ tái nghèo cao; một số vùng dân tộc thiểu số hộ nghèo không giảm mà còn tăng.
   
  Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, công tác giảm nghèo mới chỉ giải quyết vấn đề tức thời nên nguy cơ tái nghèo cao. Đại biểu cho rằng, hiện một bộ phận dân cư vẫn nằm trong ranh giới mức nghèo và cận nghèo; chỉ cần điều chỉnh nhỏ về chuẩn nghèo cũng khiến họ rơi xuống mức nghèo, làm tăng tỷ lệ hộ nghèo. “Người nông dân mất đất lao động phải di cư vào khu công nghiệp, chế xuất; ở nông thôn chủ yếu còn phụ nữ, người già và trẻ em, thiếu nhân lực các hộ rơi vào vòng lẩn quẩn đói nghèo” – đại biểu Huyền nói.
   
  Bên cạnh đó, theo đại biểu Lưu Thị Huyền, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp như điện, muối ăn, dầu, công cụ sản xuất, tín dụng ưu đãi... tạo tư tưởng ỷ lại. Người nghèo chưa chủ động sáng tạo, thiếu ý thức vươn lên mà trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
   
  Vì thế, đại biểu Huyền kiến nghị cần bổ sung hoàn thiện chính sách giảm nghèo, phát huy ý chí tự vươn lên của người dân. Việc xây dựng chính sách cần có sự phân nhóm: người nghèo kinh niên, tạm thời, từ đó có chính sách hỗ trợ linh hoạt. Hạn chế áp dụng cơ chế bao cấp, cho không, chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết.
   
  Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, cần điều chỉnh chính sách hợp lý hơn với hộ nghèo, không để tình trạng ỷ lại trông chờ vào chính sách nhà nước như thời gian qua. Chính sách chỉ nên hỗ trợ thường xuyên với trường hợp bất khả kháng mà họ không thể thoát nghèo. Trường hợp khác cần hỗ trợ có thời hạn nhất định mà kèm theo điều kiện để người nghèo chấp hành, vươn lên thoát nghèo.
   
  “Không thể để tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời, cờ bạc, rượu chè say xỉn đánh đập vợ con; bắt con bỏ học, bán vé số... kiếm tiền và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo. Muốn vậy, cần kiên quyết bỏ chính sách giảm nghèo khi họ không chấp nhận điều kiện nhà nước nêu ra, họ không có ý thức vươn lên thoát nghèo”, đại biểu Ngô Thị Minh bày tỏ.
   
Cần điều kiện ràng buộc để người nghèo thoát nghèo
   
  Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: 8 năm qua, tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho chương trình giảm nghèo lên đến 840.000 tỷ đồng (tương đương 120.000 tỷ/năm cho hoạt động này). Năm 2014, Quốc hội cũng đã quyết định chi 163.000 tỷ  đồng cho đầu tư phát triển.
   
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, nhìn thẳng sự thật, thì hiện còn nhiều điều chưa hài lòng. Đó là, sự dàn trải trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà đại biểu Quốc hội đã nhiều lần đề cập. “Trong nhiệm kỳ này, có 16 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện, khó cắt giảm nhanh được. Năm 2014, trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, Quốc hội đã quyết định giãn, giảm tiền với nhiều chương trình xuống còn 50% nguồn lực đầu tư so với kế hoạch nhưng chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới vẫn được giữ nguyên. Nhiệm kỳ 2016 – 2020, nhà nước đã xác định chỉ giữ lại 2 chương trình này” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.
   
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị giao tổng tiền hỗ trợ của các chương trình địa phương để Chủ tịch UBND tỉnh, huyện có thể chủ động điều phối nguồn lực.
   
  Đề xuất khác được Bộ trưởng đưa ra là dồn tiền được phân bổ mỗi năm cho 1 hoạt động, 1 chương trình duy nhất dể hoàn thành rồi sang năm lại dồn cho chương tình khác nhưng báo cáo lại từ các địa phương, hầu hết không làm được. “Địa phương cũng cả nể và rồi lại đành phân chia, giao phần đồng đều cho từng chương trình như cũ” – Bộ trưởng Vinh đề nghị quy định cứng về việc dồn nguồn lực cho 2 chương trình cơ bản để địa phương bắt buộc lồng ghép. Đây là quyết định sáng suốt của Quốc hội đề giải bài toàn lồng ghép.
   
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ ra ngịch lý “cào bằng” trong tiêu chí hỗ trợ người nghèo hiện nay. Vì mục đích nhân đạo, ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau nhưng việc này làm cho hiệu quả hỗ trợ giảm đi nhiều, thậm chí phản tác dụng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, hỗ trợ người nghèo phải có điều kiện ràng buộc để họ vươn lên thoát nghèo.
   
  Thực tế, tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi hiện giảm nhưng nhiều người không mong thoát nghèo, xin làm hộ nghèo vì được hưởng rất nhiều chính sách. Vì thế, cần xây dựng chuẩn nghèo mới, điều kiện bình xét hộ nghèo như thế nào, không phải chỉ thu nhập dưới 400.000 đồng thì đã công nhận là hộ nghèo. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH phải nhanh chóng xây dựng trong năm 2015 chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
   
Làm gì để thoát nghèo bền vững?
   
  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, nếu không giúp dân nghèo thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của tự cung, tự cấp thì khó có thể thoát nghèo một cách bền vững.
   
  Để hỗ trợ người nghèo phát triển nông nghiệp hàng hóa, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tập trung hỗ trợ các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao những biện pháp cụ thể. Trong đó cần tập trung phát triển giao thông và thông tin liên lạc để nông dân có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường. Bên cạnh đó, lựa chọn cây trồng, vật nuôi,  hàng hóa có lợi thế, có thị trường ở từng vùng và thậm chí là từng xã để hướng dẫn cho dân nghèo. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh ở các vùng nghèo. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới làm cầu nối để giúp cho nhân dân, cho người nghèo tiếp cận với thị trường.
   
  Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình rất đồng bộ, nếu làm tốt sẽ hỗ trợ rất tích cực thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, các vùng tỷ lệ hộ nghèo cao thường gặp nhiều khó khăn, phải có rất nhiều nỗ lực mới thực hiện được các tiêu chí quốc gia. Song, bên cạnh nỗ lực của các địa phương, cần có hỗ trợ mạnh mẽ của trung ương. Vừa qua, Quốc hội đã có chủ trương dành 15 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho các xã nghèo. Nhưng tính ra bình quân thì mỗi xã chỉ được vài tỷ đồng. Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cần thống nhất trong thời gian tới nên tập trung nguồn lực vào 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời bổ sung nguồn lực cho 2 chương trình này, trong đó cả 2 chương trình cần ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho hộ nghèo khi có thu nhập cao hơn.
   
Minh Trang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO