Đề xuất giải pháp giải quyết các xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước

08/11/2017 00:00

(TN&MT) – Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo "Đánh giá thực trạng mâu thuẫn và xung đột trong khai...

(TN&MT) – Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng mâu thuẫn và xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước liên quan đến các quy định của pháp luật”.
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 
Hội thảo tập trung đưa ra những ý kiến đóng góp cho việc giải quyết tranh chấp và xung đột trong sử dụng nguồn nước nhìn từ góc độ pháp lý, góc độ các quy định của pháp luật để có thể tổng hợp thành những kiến nghị có giá trị, góp phần giải quyết một cách cơ bản tình trạng phức tạp, liên lưu vực, liên địa phương, xuyên quốc gia và trên hết là nguồn nước – sự sống.
 
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Xung đột môi trường xuất hiện khi các chủ thể khác nhau tham gia vào quá trình khai thác, sử dụng hoặc tác động tới các thành phần môi trường, trong đó có nguồn nước. Xung đột lợi ích môi trường liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn nước ở Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều năm nhưng thời gian gần đây, có sự gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng gay gắt và phức tạp.
 
TS Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội
TS Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Văn Phương cho rằng hiện nay ở Việt Nam, chưa phân định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng tài nguyên nước, dẫn đến xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Ngoài ra, một nguyên nhân khác về mặt pháp luật tạo ra xung đột là các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm tham nhũng của các cơ quan công quyền.
 
Để giải quyết hiệu quả và thỏa đáng các xung đột môi trường trong khai thác, sử dụng nguồn nước ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Phương đề xuất một số giải pháp sau: Hoàn thiện pháp luật môi trường nói chung, pháp luật tài nguyên nước nói riêng; thiết lập một số cơ chế “kiểm soát ngoài” nhằm tránh sự “hợp tác bất chính” tạo ra xung đột môi trường nói chung, xung đột trong khai thác sử dụng nguồn nước nói riêng; xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, trong đó có pháp luật tài nguyên nước; thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với những hành vi tham nhũng của bộ máy công quyền.
 
Nhằm giải quyết các mâu thuẫn và xung đột trong sử dụng nguồn nước và phòng chống thủy tai trên một số sông xuyên biên giới, PGS. TS. Lê Đức Năm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam đề xuất: Thông qua con đường ngoại giao hoặc hợp tác song phương hoặc dưới sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu thành lập mới Ban Quản lý lưu vực sông Hồng, Ban Quản lý lưu vực sông Sê San, Sêrêpok; Xây dựng và duy trì, hoàn thiện tổ chức, cơ cấu và hoạt động của Ủy hội sông Mê Kông, các Ủy ban liên hợp và các Ủy ban sông Mê Kông của các quốc gia.
 
PGS. TS. Lê Đức Năm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam
PGS. TS. Lê Đức Năm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tưới Tiêu Việt Nam phát biểu
Kiến nghị Ủy hội sông Mê Kông xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định Mê Kông 1995 sao cho phù hợp với tình hình hiện nay; Hoàn thiện và thống nhất quản lý hệ thống quan trắc môi trường của các quốc gia; Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường nước lưu vực sông phải gắn với xây dựng và nâng cao hơn nữa ý thức pháp luật bảo vệ môi trường cho các quốc gia và dân cư của các quốc gia đó.
 
Theo TS. Trần Văn Miều, Trưởng ban Truyền thông Môi trường VACNE, cộng đồng dân cư sinh sống ở nông thôn và đô thị có vai trò quan trọng trong việc tham gia bảo vệ tài nguyên nước nói chung và tham gia kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn nước nói riêng. Để quy định vai trò của cộng đồng dân cư tham gia kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn nước, TS. Trần Văn Miều đề nghị trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ và phát triển rừng… cần có quy định thống nhất thuật ngữ về “cộng đồng dân cư”.
 
 TS. Trần Văn Miều, Trưởng ban Truyền thông Môi trường VACNE
TS. Trần Văn Miều, Trưởng ban Truyền thông Môi trường VACNE nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo vệ tài nguyên nước nói chung và tham gia kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn nước nói riêng
 
TS Trần Văn Miều cũng cho rằng cần thống nhất đoàn thể nhân dân là người đại diện cho cộng đồng dân cư trong kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn nước.
 
Tin & ảnh: Mai Đan
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp giải quyết các xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO