Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Đặc biệt, một số ngành, lĩnh vực như: Nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ. Theo xếp hạng của Diễn đànKinh tế thế giới (WEF), mức độ sẵn sàng về công nghệ của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ; chuyển giao công nghệ thứ 81; hấp thụ công nghệ thứ 121 và khả năng tiếp thu công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.
Nếu các vị trí xếp hạng về công nghệ nêu trên không được thay đổi theo hướng tích cực, Việt Nam khó có thể giữ được vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu như hiện nay (Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với cách đây 5 năm). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đến thu hút đầu tư nước ngoài và rất có thể biến nước ta thành “bãi rác công nghệ”, nếu doanh nghiệp không đầu tư thích đáng cho công nghệ, mà chỉ muốn nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền giá rẻ.
Chính vì vậy, theo đề xuất của các chuyên gia, cùng với việc ban hành Danh mục Công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục Công nghệ cấm chuyển giao, Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục Công nghệ hạn chế chuyển giao. Đó là công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển; sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại; sử dụng tài nguyên, khoáng sản hạn chế khai thác trong nước… Đối với công nghệ, thiết bị, công nghệ, máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng tại các nước phát triển, chỉ cho nhập khẩu khi phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Tuyệt đối cấm nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh…
Để ngăn chặn dự án đầu tư, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị dây chuyền lạc hậu, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã quy định cụ thể về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2018, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ. Cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ thẩm định khi dự án mới có chủ trương đầu tư, có quyết định đầu tư, mà còn phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong suốt quá trình hoạt động của dự án.
Tuy vậy, việc thẩm định cũng phải có quy định cụ thể, chi tiết, bởi lẽ, chỉ tính riêng với công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo cũng đang là bài toàn khó với việc giải quyết rác thải sau sử dụng. Theo nhận định của Bộ KH&CN, Việt Nam đang chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Do đó, phải có tiêu chuẩn cho từng công nghệ tái tạo, phải đặt câu hỏi công nghệ đó có phát sinh ô nhiễm thứ cấp không? Vấn đề này còn nguy hại và khó xử lý hơn rất nhiều so với ô nhiễm sơ cấp.
Ví như việc xử lý pin năng lượng mặt trời cũng đang nhận được sự quan tâm của tất cả các nước có sử dụng nguồn năng lượng này. Nguồn năng lượng tái tạo khác với nguồn năng lượng hóa thạch là nguồn không ổn định. Do đó, để sử dụng ổn định thì phải lưu trữ. Việc sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng gió, sinh khối không tạo ra khí CO2 nhưng trong quá trình sản xuất phải sử dụng các nguyên vật liệu sẽ có tác động tới môi trường.
Một số nước trên thế giới đã đặt vấn đề nghiên cứu chu trình vòng đời để đánh giá quá trình tác động đến môi trường từ việc sử dụng và khai thác công nghệ tái tạo. Nhìn vào tấm pin năng lượng mặt trời, sẽ không thấy có CO2, nhưng việc sử dụng các nguyên vật liệu để sản xuất pin sẽ có tác động đến môi trường, rồi khi thu hồi các pin này, xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần bàn tới và Chính phủ rất cần phải lưu tâm đến vấn đề này.