Đề nghị tạm dừng dự án 3,3 nghìn tỷ ở ĐBSCL

04/06/2017 00:00

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé triển khai ở ĐBSCL có kinh phí quá lớn (hơn 3.300 tỷ đồng) trong khi đó sự cần thiết để triển khai dự án này vẫn...

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé triển khai ở ĐBSCL có kinh phí quá lớn (hơn 3.300 tỷ đồng) trong khi đó sự cần thiết để triển khai dự án này vẫn chưa rõ ràng, đánh giá tác động môi trường lại chưa đúng hướng nên các chuyên gia đề nghị cho tạm dừng.
 
Thời gian gần đây, người dân, chính quyền địa phương và cả các chuyên gia ĐBSCL bàn tán xôn xao về dự án sắp triển khai xây dựng đó là hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Nguyên nhân là do dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 3.300 tỷ đồng (chỉ ở giai đoạn 1) và ảnh hưởng đến việc sản xuất trên 1 triệu ha đất ở ĐBSCL.
 
Chuyên gia đề nghị tạm dừng dự án thủy lợi trên 3.300 tỷ đồng ở miền Tây (Trong ảnh, sông Cái Lớn thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) (Ảnh: Huỳnh Xây)
Chuyên gia đề nghị tạm dừng dự án thủy lợi trên 3.300 tỷ đồng ở miền Tây (Trong ảnh, sông Cái Lớn thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) (Ảnh: Huỳnh Xây)
 
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia sinh thái độc lập về ĐBSCL cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chưa đánh giá đúng hướng. Bởi, một công trình rất đắt tiền, hơn 3.300 tỷ đồng nhưng lập luận quá sơ sài. Báo cáo dựa vào 4 lập luận chính là mặn gây thiệt hại lớn; thiệt hại này ảnh hưởng an ninh lương thực; biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng sắp tới sẽ rất nghiêm trọng; ĐBSCL gánh trọng trách an ninh lương thực (hàm ý rằng phải canh tác lúa).
 
Thế nhưng, 4 lập luận này đều chưa thuyết phục bởi không nên dựa vào tình trạng xâm nhập mặn vài năm gần đây, đặc biệt là 2016 làm tình hình chung để xây dựng một công trình thế kỷ, đắt tiền. “Việc cho rằng xâm nhập mặn 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực là không đúng vì năm 2016 Việt Nam vẫn xuất khẩu 4.88 triệu tấn gạo” – Thạc sĩ Thiện nói
 
Theo Thạc sĩ Thiện, về nước biển dâng, báo cáo sử dụng kịch bản cũ năm 2009 của Bộ TNMT. Trong khi đó, theo kịch bản cập nhật 2016 thì đến 2100, tức 83 năm nữa, khả dĩ nhất thì nước biển dâng chỉ 55cm so với giai đoạn 1986-2005 chứ không phải 1 mét như kịch bản cũ. Về thủy điện trên sông Mekong, không rõ dựa trên cơ sở nào mà báo cáo xét BĐKH và biên thượng nguồn giảm 5% lượng nước về ĐBSCL. “Với những lý do trên, tôi kiến nghị nên dừng dự án này để làm rõ sự cần thiết và tác động của nó” – Thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) thì cho biết, dự án chưa đưa ra được những dữ liệu để chứng minh việc bỏ ra một khoản tiền lớn như trên thì lợi ích thu được có đủ để bù cho khoản đầu tư đó hay không? Đó là chưa kể đến tình trạng hệ sinh thái trong khu vực sẽ bị thay đổi.
 
“Việc xây dựng đập có thể dẫn đến chất lượng nước sẽ thay đổi theo hướng xấu đi. Lý do là giữa sông và biển có mối quan hệ, biển giúp cải tạo ô nhiễm nguồn nước trong lưu vực sông và như vậy khi mình xây dựng cái đập thì ô nhiễm sẽ có khả năng xảy ra ở bên trong cống” - PGS.TS Tuấn nói.
 
PGS.TS Tuấn nói tiếp: “Việc ngăn mặn, giữ ngọt thông qua xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để sản xuất lúa (hay một sản phẩm nông nghiệp nào đó liên quan sử dụng nước ngọt), về lợi ích, có lớn hơn nuôi tôm hay không, đến bây giờ mình chưa chứng minh được”.
 
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL lại cho rằng, cơ chế vận hành của công trình thủy lợi trên phải được xem xét khớp với cơ chế vận hành, các cống đập khác trong khu vực dự án.
 
 “Dự án sẽ tác động đến môi trường tự nhiên, sản xuất, sinh kế và đời sống của cả triệu người dân trong vùng dự án. Các tác động lên cả 3 mặt này phải được tính đến ngay từ đầu dự án” - GS. Trân bộc bạch.
 
Trước đó, ngày 17.4.2017, Chính phủ đã có quyết định số 498/QĐ/TTg về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Mục tiêu của dự án là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô,…Dự án thực hiện trong 5 năm (từ 2017 đến 2021), có tổng vốn đầu tư dự kiến là trên 3.300 tỷ đồng.
 
Theo Dân Việt
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị tạm dừng dự án 3,3 nghìn tỷ ở ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO