Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Chính phủ được ban hành năm 2018 được đánh giá là quyết sách quan trọng trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Có thể nhận thấy, kết quả bước đầu của cải cách TTHC thông qua thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" là đã giảm việc đi lại của người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian giải quyết TTHC, số hồ sơ hành chính giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ cao, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, tổ chức và doanh nghiệp trên các lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Thông qua sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của cơ quan hành chính, về rà soát, đơn giản hóa và công khai các TTHC, thực hiện cơ chế "một cửa" với chất lượng tốt hơn đã nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, bằng các việc làm cụ thể ở các Bộ, ngành. Và chính quyền địa phương các cấp đã khẳng định sự chuyển biến bước đầu trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, cơ chế “một cửa” thời gian qua vẫn còn nhiều “khóa” cùng không ít tồn tại, bất cập, thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện, làm giảm hiệu quả của cơ chế này. Chất lượng giải quyết TTHC ở nhiều địa phương còn thấp; còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC; người dân và doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan để thực hiện một TTHC, hoặc muốn nhanh phải “lót tay”; việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC hiệu quả còn thấp...
Câu hỏi được đặt ra là làm sao để chấm dứt được tình trạng “một cửa” nhưng “nhiều khóa”? Yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành - bại, thông suốt của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cải cách TTHC không đâu xa chính là quyết tâm chính trị của người đứng đầu đơn vị. Nơi người đứng đầu bộ máy quan tâm, cải cách TTHC sẽ đạt nhiều kết quả tích cực và được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Việc cải cách TTHC cũng không thể tách rời vai trò của người đứng đầu trong việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao tính chủ động trong điều hành, quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.