Để Lý Sơn phát triển bền vững

15/11/2016 00:00

(TN&MT) - Với thực trạng phát triển “nóng” của Lý Sơn hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan môi trường của đảo. Phải làm sao để Lý Sơn có thể vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa là bài toán khó cần lời giải từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành liên quan và chính quyền huyện đảo Lý Sơn.

Thắng cảnh Hang Cò bị quán xá lấn chiếm, có nguy cơ biến mất
Thắng cảnh Hang Cò bị quán xá lấn chiếm, có nguy cơ biến mất

Đảo Lý Sơn phát triển “nóng”

Với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, nhiều du khách so sánh Lý Sơn không hề thua kém các điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc như Nami hay Jeju. Thế nhưng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Lý Sơn có quá nhiều sự thay đổi, bên cạnh những thay đổi tích cực thì còn rất nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Từ một huyện đảo thanh bình, Lý Sơn bỗng trở thành một đại công trường xây dựng. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng, thì đến năm 2016, Lý Sơn có 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ, tổng cộng 440 phòng. Để phục vụ phát triển du lịch, các tuyến đường cơ động xung quanh đảo Lý Sơn “mọc” lên đã làm mất đi nhiều thắng cảnh đẹp như bãi Kiều Kiều, Hang Cò; nhiều bãi biển đẹp như hòn Mù Cu đến Hang Câu bị san lấp; cổng Tò Vò có nguy cơ bị gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng làm thay đổi hướng sóng.

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Lý Sơn là 1 trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia, nhưng người dân vô tư bán san hô ở tại các lều quán gần cổng Tò Vò, đường vào chùa Hang, cầu cảng mà không có ngành chức năng ở địa phương ngăn cấm, xử lý. Thậm chí trên tàu chờ khách, nhiều loại san hô, nhất là san hô đen lớn được chở vào đất liền. Nhiều người cho rằng đó là san hô khai thác ở những nơi khác, nhưng mặc dù có khai thác ở những nơi khác cũng không được bày bán và phải được nghiêm cấm triệt để việc khai thác, buôn bán này.

Các lều quán nhếch nhác do người dân làm tự phát, gây mất mỹ quan
Các lều quán nhếch nhác do người dân làm tự phát, gây mất mỹ quan

“Việc xây dựng ồ ạt các công trình dân sinh, dịch vụ, dân dụng..., buôn bán bất động sản, thiếu định hướng và quy hoạch đã làm Lý Sơn biến dạng, không phải là thay đổi theo hướng tích cực, bền vững. Ngay cả các con đường bê tông ngang dọc ở trung tâm huyện cũng quá lớn làm mất quỹ đất trên đảo vốn nhỏ bé này”- TS. Vũ khẳng định.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường ô nhiễm cũng là vấn đề nan giải của địa phương. Ông Lê Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, vừa qua, Cục quản lý chất thải rắn (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tiến hành đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên đảo, tuy nhiên nhà máy này rất nhỏ, không đảm bảo xử lý được. “Khi xây dựng, chính quyền và người dân trên đảo mừng lắm, nghĩ rằng rác thải trên đảo sẽ được giải quyết tận gốc, khi dự án triển khai, nhà đầu tư tuyên bố sẽ xử lý hàng chục tấn rác thải/ngày, tuy nhiên khi vào hoạt động, nhà máy này chỉ xử lý vỏn vẹn chưa được 2 tấn rác/ngày, lại hoạt động theo kiểu công nghệ “chân tay” nên dự án chết yểu”- ông Ninh cho biết.

Cũng theo ông Ninh, để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi xã hội hóa việc xử lý rác thải trên đảo. Và Công ty TNHH MTV Thương mại Đa Lộc (TP. Hồ Chí Minh) là đơn vị được lựa chọn để xử lý rác khi đã đầu tư dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại, với công suất xử lý 28 tấn rác/ngày. “Đây mới chỉ là bước đầu, còn nói là xử lý triệt để rác thì chưa. Lý do là phương tiện thu gom chưa đáp ứng đủ, thứ nữa là ý thức phân loại rác của người dân chưa cao, thậm chí có người còn đem rác ra biển vứt”- ông Ninh trăn trở.

Nhanh chóng quy hoạch tổng thể

Ông Phan Đình Độ- Trưởng phòng Quản lý Di sản cho rằng: Để bảo tồn và phát triển Lý Sơn, về góc độ quản lý nhà nước thì phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch định hướng phát triển, mà quy hoạch đó phải phù hợp với điều kiện ở Lý Sơn, đó là cố gắng bảo tồn nguyên vẹn những giá trị hiện có, không nên thay đổi nhiều, hạn chế xây dựng những công trình lớn, quy mô...

Người dân vô tư bán san hô tại các hàng quán
Người dân vô tư bán san hô tại các hàng quán

“Về lâu dài, phải từng bước tạo chuyển biến về mặt nhận thức để bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là cải tạo, quy hoạch lại các nghĩa địa trên đảo, thậm chí phải đầu tư xây dựng nghĩa trang công viên và biến nó thành một địa điểm du lịch nữa thì càng tốt; xa hơn là giải pháp hỏa táng. Đây là lợi ích xã hội rất lớn: Thứ nhất là tiết kiệm đất cho người dân, thứ hai là tạo nên một công viên văn hóa nghĩa trang, kết hợp làm du lịch”- ông Độ nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, TS. Vũ cho rằng để Lý Sơn phát triển bền vững, cần phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng. Ngoài các quy hoạch đã ban hành, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch... thì cần phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch xây dựng. “Bài học từ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là không cho xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, không xây dựng bất cứ công trình cao tầng, bảo tồn nguyên trạng môi trường sinh thái, không xây dựng con đường, bờ kè to lớn, nên mới được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại đây người dân địa phương được hướng dẫn làm dịch vụ, du lịch cộng đồng (homestay), nên Cù Lao Chàm mỗi ngày đón trên 4 ngàn lượt khách (trong khi dân số trên đảo chi hơn 2,7 ngàn người). Đây là những điều cần phải học hỏi và rút kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững tại Lý Sơn”- TS Vũ nêu ý kiến.

Để bảo tồn và phát triển Lý Sơn thì phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch đó phải phù hợp với điều kiện ở Lý Sơn
Để bảo tồn và phát triển Lý Sơn thì phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch đó phải phù hợp với điều kiện ở Lý Sơn

Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch chung, cần sớm quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân để quy tập, di dời mồ mả, vừa tạo quỹ đất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng đến cảnh quan huyện đảo và từng bước tuyên truyền cải thiện dần ý thức người dân thích nghi với việc hỏa táng trong tương lai…

Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, nhưng ngược lại di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh- loại tài nguyên du lịch đặc biệt không bao giờ cạn kiệt, mà sẽ tăng lên cùng với thời gian, nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc phát triển bền vững.

Chính vì vậy với những tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho huyện đảo Lý Sơn, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy một cách đúng đắn thì đây sẽ là điều kiện để Lý Sơn ngày càng phát triển bền vững trong tương lai.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Lý Sơn phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO