Để đầu tầu kinh tế xanh hơn

01/01/2019 16:47

(TN&MT) - Trên cả nước, duy nhất ở TP. HCM được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành riêng một Chỉ thị để vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.

img50
TP. HCM ngày một hiện đại, xanh hơn, sạch hơn. Ảnh: MH

TP.HCM là đô thị đặc biệt với dân số sinh sống thực tế trên 10 triệu người, mỗi ngày, phát sinh gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt... đang gây lên nhiều sức ép về cơ sở hạ tầng và rất nhiều vấn đề như: Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua, chính quyền thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để từng bước giải quyết những vấn đề nổi cộm trên.

Hiện nay, mặc dù, chất lượng môi trường của đô thị lớn nhất cả nước ngày càng được cải thiện, TP. HCM đang ngày một hiện đại, xanh hơn, sạch hơn... nhưng nhiều khu vực của thành phố vẫn còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi trên đường phố, xuống hệ thống kênh rạch, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng.

Dạo bước trên các tuyến phố của TP. HCM hoa lệ, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những bịch rác được vô tư vứt trên các miệng cống thoát nước, bên lề đường. Hay, sau khi kết thúc các sự kiện văn hóa, lễ hội tại các tuyến phố trung tâm như: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, tại các khu vực công viên, quảng trường là hình ảnh la liệt các loại rác do những người tham dự để lại. Nhiều con kênh, rạch của thành phố “ngập” các loại rác thải, bốc mùi hôi nồng nặc gây tắc nghẽn dòng chảy. Mới đây, hình ảnh người công nhân vệ sinh mặt nhem nhuốc, run lên vì lạnh khi chui xuống miệng cống thoát nước để vớt lên vô vàn các loại rác thải do người dân vứt xuống khiến nhiều người không khỏi xót xa và đặt câu hỏi: Tại sao người dân lại có thể vứt rác bừa bãi như vậy?

Nhiều nguyên nhân được lý giải cho hành động của một bộ phận người dân vô tư xả rác bừa bãi, nhưng mấu chốt chính là vấn đề ý thức, là trách nhiệm của bản thân mỗi cá nhân với thành phố chưa được coi trọng. Trong khi đó, trên phương diện quản lý Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng: “Công tác bảo vệ môi trường chỉ đạt được hiệu quả thực sự khi có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội”. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay,TP. HCM đã triển khai hàng loạt kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, vận động người dân cùng chính quyền chung tay bảo vệ môi trường sống của thành phố.

img52 (1)
Thùng rác thông minh, thân thiện với môi trường được lắp đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: MH 

Ngày 19/10/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Đây được coi là Cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, dựa trên truyền thống đoàn kết, sáng tạo của nhân dân TP. HCM, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của chính quyền các cấp và sự thamgia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị.

Tại Lễ ra quân toàn thành phố thực hiện Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và xuống kênh rạch, ngày 21/10/2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã gọi đây là “Cuộc vận động lớn”, làm thay đổi ý thức người dân trong sinh hoạt hàng ngày vì chất lượng sống của thành phố, vì mục tiêu xây dựng một thành phố đáng sống, thân thiện với môi trường.

Cũng tại Lễ ra quân, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã kêu gọi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng những việc làm đơn giản, thiết thực hàng ngày như: Không xả rác bừa bãi, không sử dụng túi ni lông, dành 15 phút mỗi ngày, để làm sạch khu vực trước nhà, vận động, tuyên truyền những người xung quanh cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

“Bảo vệ môi trường không phải là việc của chính quyền hay bất cứ đoàn thể nào, đó là trách nhiệm của từng cơ quan, doanh nghiệp, từng hộ gia đình và mỗi công dân của thành phố. Mỗi người dân thành phố chung tay vì mục tiêu xây dựng TP. HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ngay sau Lễ phát động của lãnh đạo thành phố, trên khắp 24 quận huyện, đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố nô nức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, thu gom rác thải đường phố, nạo vét, khơi thông kênh rạch...

Ngay sau đó, nhiều bãi rác tự phát, nhiều “điểm đen” về ô nhiễm môi trường đã được cải tạo trở thành những vườn hoa xanh mát, những điểm vui chơi công cộng sạch sẽ phục vụ người dân.

Đặc biệt, để nâng cao vai trò của các cơ quan chính quyền trong Cuộc vận động, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu, UBND thành phố triển khai quyết liệt kế hoạch thực hiện Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, với sự đổi mới về tổ chức, chỉ đạo, giải pháp thực hiện. Đồng thời, Chủ tịch UBND các quận, huyện cần giám sát, đánh giá, công nhận khu phố, ấp, phường, xã không xả rác ra đường như một tiêu chí về môi trường trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Gắn Đề án Đô thị thông minh, triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, chụp hình, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác.

Ngoài ra, TP. HCM cũng vận động, định hướng văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm tuyên truyền phong trào bảo vệ môi trường, đấu tranh bài trừ với hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Ban Dân vận Thành ủy thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép các tiêu chí bình chọn gương điển hình tập thể và cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch...

Như vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và xuống kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” sẽ đạt được nhiều kết quả, thay đổi ý thức, thay đổi hành vi xả rác bừa bãi của một bộ của người dân. Cuộc vận động sẽ được thực hiện liên tục đến tháng 10/2020 và sau đó sẽ tiến hành tổng kết và triển khai các giải pháp tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đầu tầu kinh tế xanh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO