Để chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt hiệu quả

15/05/2015 00:00

(TN&MT) - Để giảm áp lực trong xử lý môi trường, thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân, từ những năm 2000, TP.HCM đã thí điểm triển khai Chương trình...

(TN&MT) - Mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có từ 10.000 - 11.000 tấn rác các loại. Trong đó rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, trung tâm thương mại, chợ, trường học, cửa hàng ăn uống… chiếm khối lượng khoảng 8.000 - 9.000 tấn/ngày với 65% - 90% là các loại rác thải có nguồn gốc hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học nhanh, có thể tận dụng để sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp.
 
Để giảm áp lực trong xử lý môi trường, thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân và để tận dụng giá trị kinh tế của loại chất thải hữu cơ, từ những năm 2000, TP.HCM đã thí điểm triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN). Đây là chủ trương đúng của thành phố để chuẩn bị cho sự vận hành của một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên, những chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn của TP.HCM cho đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.  Theo đó, từ năm 1999 đến 2012, TP.HCM đã triển khai 3 Chương trình PLCTRTN nhưng tất cả đều thất bại. Nguyên nhân là thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.
 
Hiện nay, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chương trình PLCTRTN tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, một số khu công nghiệp, khu chế xuất và thí điểm tại 6 quận trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, công tác triển khai cũng gặp không ít khó khăn và hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Trong đó, 21 siêu thị thuộc hệ thống Coopmart trên địa bàn thành phố đang thực hiện Chương trình PLCTRTN,  khối lượng trung bình 9 tấn rác hữu cơ/ngày, được đưa về Khu liên hợp chất thải Đa Phược xử lý. Theo khảo sát, chỉ có 38,2% khách hàng nhận thức được chương trình thông qua phát thanh và tờ bướm; 38,7% thực hiện thải bỏ chất thải đúng quy định. Hầu hết khách hàng không quan tâm đến chương trình PLCTRTN; chất thải thực phẩm đã được phân loại vẫn còn lẫn chất thải còn lại. Ngoài ra, vị trí phân bổ các siêu thị rộng trên địa bàn TP.HCM và thời gian thu gom khác nhau, dẫn tới  chi phí thu gom cao.
 
Tại KCX Tân Thuận (quận 7) và khu công nghệ cao (quận 9), doanh nghiệp chưa tham gia tích cực chương trình nên khối lượng chất thải thu gom không đủ tải trọng xe (khoảng 4 tấn/ngày). Trong đó, KCX Tân Thuận phải thông qua hải quan kiểm tra phương tiện ra vào, phương tiện thu gom bằng xe tải nên hiệu quả không cao.
 
Lễ phát động Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tại quận 1 và quận Bình Thạnh
Lễ phát động Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn tại quận 1 và quận Bình Thạnh
 
Tại các 06 quận thí điểm: Phường Bến Nghé (quận 1), phường 6 (quận 3), phường 1 (quận 5), phường 12 (quận 6), phường Tân Thới Hiệp (quận 12), phường 25 (quận Bình Thạnh), các hộ gia đình sẽ tiến hành phân loại chất thải rắn thành 2 loại: Chất thải rắn thực phẩm (gồm thức ăn dư thừa, rau, củ, quả, hạt, bã trà, bã cà phê, xác động vật, lá cây…) và chất thải rắn còn lại (gồm các loại giấy, túi ni lông, các loại đồ nhựa, lon, chai nước…). Cả 2 thùng chứa chất thải rắn đã phân loại đều được dán decal với nội dung của Chương trình phân loại CTRTN, trong đó thùng đựng chất thải rắn thực phẩm có màu xanh lá cây, còn thùng đựng chất thải rắn còn lại là thùng đang sử dụng tại hộ gia đình. Các hộ gia đình tự lưu trữ và giao túi đựng chất thải cho công nhân thu gom hoặc buộc chặt và đặt các túi ở trước nhà nơi người thu gom dễ nhận thấy. Tuy nhiên, mỗi quận trên chỉ thí điểm với quy mô dân số ít (khoảng 100 – 400 hộ dân) nên khối lượng chất thải ít, gây khó khăn cho việc thiết lập hệ thống thu gom.
 
Theo Sở TN&MT, trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của Chương tình PLCTRTN cần phải thực hiện đồng bộ các  giải pháp sau: Đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải; ban hành và hướng dẫn các văn bản pháp lý kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn; công tác tuyên truyền về PLCTRTN cần được thực hiện liên tục và bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng tuyên truyền nòng cốt cho mỗi chương trình; giải quyết  lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là  hệ thống thu gom rác dân lập. 
 
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các chương trình khác có liên quan: chương trình thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt và Chương trình đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom  tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, thành phố cần chỉ đạo các ngành nghiên cứu xây dựng mô hình vòng tròn khép kín “chất thải hữu cơ  - sản phảm nông nghiệp”.
 
Nguyễn Thanh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO