Để bớt những cơn lũ như ở Sa  Ná

22/08/2019 16:01

(TN&MT) - Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa, lũ hoàn lưu sau bão số 3 vừa diễn ra tại Thanh Hóa, một lần nữa vấn đề xây dựng phương án ứng phó thiên tai lại được ban đặt ra bởi thực tế, các kịch bản còn mang nhiều tính lý thuyết, việc xác định các loại hình thiên tai chưa gắn sát được với các khu vực cụ thể, chi tiết dẫn đến công tác ứng phó với sự cố còn nhiều lúng túng, bất cập.

img 7884 1
Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đến thăm vùng chịu thiệt hại 

Phá bỏ những điểm tắc nghẽn dòng chảy

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, trong đó nặng nề nhất là bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Sau đợt lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3 xảy ra hồi đầu tháng 8, tỉnh Thanh Hóa hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất với 13 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại vật chất lên tới 914 tỷ đồng.
   Để sớm ổn định đời sống cho người dân, huyện Quan Sơn đang khẩn trương xây dựng khu tái định cư cho người dân bản Sa Ná, dự kiến đến 31/11 sẽ hoàn thiện để bà con có thể chuyển đến nơi ở mới.


Bản nằm ven Suối Son với 74 hộ sinh sống ven bờ suối, cao hơn lòng suối 6 - 7m. Giao thông vào bản cũng chỉ có con đường độc đạo dọc suối Son. Qua khảo sát, đánh giá địa hình, các chuyên gia nhận thấy, nguyên nhân gây lũ quét tại Na Sá do lưu vực lớn, độ dốc cao dẫn đến lũ tập trung nhanh dễ gây lũ quét.

Suối Son bắt nguồn từ Lào, độ cao lưu vực tại Sa Ná khoảng 1.600m. Cách thượng lưu bản 2,4km, lòng suối Son bị co hẹp với độ chênh cao 57m gây nút thắt. Bên cạnh đó, trong thời gian ngắn từ 3 - 7h ngày 3/8, lượng mưa tại xã Na Mèo đã đạt trên 200mm, có nơi lên hơn 400mm khiến nước ở thượng nguồn tích trữ cao, đất bão hòa nước gây sạt lở ở nhiều điểm, nhất là khu vực gần suối tạo thành những bờ ngăn nước lũ. Khi xảy ra lũ quét, đất đá cùng nhiều cây gỗ lớn từ thượng nguồn đổ về bị chặn lại tại các vị trí này, tích lũy nước và khi vỡ tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn chảy về hạ lưu nên sức công phá càng nguy hiểm.

Theo ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đợt lũ khủng khiếp tràn về cuốn trôi nhà văn hóa và hàng chục hộ dân. Dù các lực lượng tại chỗ đã nỗ lực cứu vớt người bị cuốn trôi, nhưng banxã Na Mèo vẫn có đến 4 người chết, 6 người mất tích. Thiệt hại vật chất là 120 tỷ đồng, bao gồm 35 ngôi nhà và toàn bộ tài sản sập, trôi hoàn toàn; hệ thống giao thông, trường học, nhà văn hóa, đập, kênh thủy lợi; đất đai canh tác vùi lập hư hỏng, cuốn trôi.

Hệ thống tưới tiêu, mương bị hư hỏng hoàn toàn nên diện tích lúa còn lại đối diện nguy cơ bị hạn hán do không có nước tưới, tình hình an ninh lương thực tại chỗ trong thời gian tới sẽ khó khăn, nhất là các bản Ché Lầu, Son, Sa Ná, Bo Hiềng, Cha Khót, Na Pọng.

anh 2
Suối Son có những điểm bị nghẽn dòng tạo thành bờ tạm ngăn nước lũ

Để tránh những trường hợp tương tự như Sa Ná trong thời gian tới, theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, các địa phương tăng cường kiểm tra, khơi thông ngay các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng. Rà soát, đánh giá nơi ở, địa điểm sơ tán và có phương án sơ tán đảm bảo an toàn, cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm. Những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần được lắp đặt ngay trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo, củng cố ngay lực lượng xung kích, bố trí trang thiết bị thiết yếu.

Phương án ứng phó cần đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo đại diện xã Na Mèo, rút kinh nghiệm từ đợt lũ quét lần này, việc chủ động xây dựng các phương án từ xã đến bản và hộ gia đình cần sát với tình hình thực tế, trong đó, lên kế hoạch sơ tán dân các vùng lũ nguy hiểm, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật đến nơi an toàn; kế hoạch dự trữ vật tư, lương thực, nước uống của từng địa phương.

Thực tế, đồng bào còn có tính chủ quan trong mùa mưa bão, như hay đánh cá trên sông, suối; vớt gỗ, vớt củi, vớt động vật trôi sông khi lũ về mang theo. Nhiều người không sơ tán do nếp nghĩ lâu đời nay không có lũ, không bị ảnh hưởng; vượt sông, vượt suối khi dòng nước xiết, không áo phao, vật bảo hộ. “Nên chăng đưa các nội dung này thành những điều cấm trong quy ước, hương ước làng bản, và có chế tài phạt dựa trên sự thống nhất của cộng đồng”, ông Vũ Văn Đạt, chủ tịch huyện Quan Sơn nhấn mạnh.

Một vấn đề cần quan tâm là tổ chức lại và tăng cường hệ thống phát thanh, truyền thanh, thông tin liên lạc từ xã đến người dân nhằm cảnh báo sớm và phổ biến kịp thời các thông tin lũ lụt. Mặt khác, cần thành lập ban tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, nhằm thống nhất chỉ đạo việc tiếp nhận hàng, tiền cứu trợ của các tổ chức, cá nhân và phân phối hàng, tiền cứu trợ đến tay người dân.

img 7903
Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ đã được trang cấp cho các đơn vị, địa phương để đánh giá tính hiệu quả, tính phù hợp để có điều chỉnh, bổ sung và trang cấp kịp thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, công an huyện được cấp 1 cano, nhưng không có người lái được, nếu có cũng không thể lái được trong điều kiện của nước lên, lũ về. Thực tiễn công tác ứng cứu vừa qua, mô tô nước là phương tiên phù hợp, hay đơn giản như súng bắn dây không có dẫn đến việc cứu hộ phải kéo dài cả ngày chờ lực lượng ở tỉnh lên. Cuối cùng người chờ cứu hộ tự bơi vào bờ giữa dòng nước lũ.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương cần chú ý trong quy hoạch, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng không được làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và đảm bảo tính ổn định của công trình trước thiên tai. Đặc biệt ở miền núi, bạt núi mở đường phải đảm bảo ổn định, không tạo thêm nguy cơ sạt trượt; làm ngầm, tràn, cầu qua sông, suối không làm cản trở, ách tắc thoát lũ; các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng khi xây dựng mới phải theo hướng kiên cố, bền vững lâu dài làm nơi sơ tán dân khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để bớt những cơn lũ như ở Sa  Ná
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO