ĐBSCL: Thực hiện các giải pháp ứng phó hạn, mặn

Lê Hùng| 21/01/2020 13:35

(TN&MT) - Trước tình hình thiếu nước, mặn đang xâm nhập vào các kênh nội đồng những ngày cuối năm 2019 và đầu tháng 1/2020, các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đã triển khai các biện pháp nhằm trữ nước ngọt, ứng phó xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Hiện nay các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang theo dõi sát sao diễn biến xâm nhập mặn để kịp thời đóng các cống ngăn mặn bảo vệ sản xuất.

Hạn, mặn sẽ diễn ra gay gắt
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, căn cứ tình hình hiện tại thì nhiều khả năng mùa khô năm 2019-2020 tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra gay gắt như năm 2016, trong đó nước mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh từ hai hướng Biển Đông và Biển Tây.

Mặc dù mới bước vào mùa khô 2019-2020, nhưng độ mặn đo được trên sông Cái Côn (huyện Châu Thành) đã là 2,8‰, còn tại TX. Ngã Bảy là 2,0‰. Đối với các địa phương như TP. Vị Thanh, Long Mỹ và một phần huyện Vị Thủy, nước mặn cũng đã xâm nhập vào tuyến sông Cái Lớn (TP. Vị Thanh) với độ mặn đo được là 2,1‰. 

“Với thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài như những ngày qua thì trong thời gian tới mực nước trên các tuyến sông Cái Côn, Lái Hiếu, Cái Lớn, Xáng Xà No…tiếp tục xuống thấp, mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng với độ mặn tiếp tục tăng cao ”- ông Trần Chí Hùng thông tin.

Thông tin với phóng viên, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, vào khoảng thời gian cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020, do ảnh hưởng của triều cường, mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh rạch thuộc địa bàn các huyện Trần Đề, Kế Sách, Long Phú, có thời điểm độ mặn đo được cách cửa biển Trần Đề 30km đã lên đến 10,7‰.

Cũng theo ông Phạm Tấn Đạo, trong mấy ngày gần đây do triều xuống nên độ mặn đo được trên một số tuyến kênh, rạch đã giảm đi đáng kể, có nơi chỉ còn từ 0,5 đến 1,1 ‰. Tuy nhiên, dự báo vào những ngày cuối tháng 01/2020, triều cường lên nguy cơ mặn sẽ theo các tuyến kênh, rạch tiến sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, Trần Hoàng Dũng cho phóng viên biết: “Tổng diện tích lúa trên địa bàn toàn huyện đã xuống giống trong vụ Đông - Xuân (2019 - 2020) là 22.400ha, trong đó diện tích lúa đang làm đòng khoảng 3.500ha. Hiện độ mặn đo trong các kênh nội đồng giao động từ 0,5 đến 0,7 không ảnh hưởng đến cây lúa phát triển, nhưng chỉ sợ vào những ngày tới, nguồn nước kém, độ mặn lên cao sẽ gây nguy hiểm cho số diện tích lúa trên”.
 

Người dân các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đã tích trữ nước vào ruộng phục vụ cho quá trình phát triển của cây lúa.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp 
Thông tin với phóng viên, PGS TS, Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu-Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong thời gian qua việc tích nước của các đập trên phía thượng nguồn đúng vào thời điểm bước vào mùa khô ở khu vực hạ lưu sông Mê Công đã khiến cho tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong năm 2020 được dự báo là rất nghiêm trọng và càng gay gắt hơn.

“Để ứng phó với tình trạng trên, các địa phương khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng, tìm mọi cách để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Cùng với đó các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông tin cho người dân được biết để kịp thời bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra”- PGS TS Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh Hậu Giang, trước tình hình thiếu nước, mặn đã xâm nhập vào một số kênh, rạch, Ban Chỉ huy đã yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trình. 

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Toàn, đối với những công trình do tỉnh quản lý như hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh đã thực hiện đóng 3 cống hở ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A; đóng 4 cống hở và 10 cống tròn ở TP. Vị Thanh. Cùng với đó, yêu cầu huyện Long Mỹ khẩn trương triển khai xuống đập thời vụ ngăn mặn trên địa bàn huyện tập trung tại các xã có nguy cơ xâm nhập mặn cao như xã Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm. 

Trao đổi với phóng viên tại buổi kiểm tra các công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện Châu Thành mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa mặn xâm nhập, chủ động tích trữ nước để hạn chế thiệt hại cho người dân. 

Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên cũng yêu cầu các đơn vị quản lý tiến hành duy tu, bảo trì, đảm bảo vận hành kịp thời các cống đập khi xảy ra tình huống nước mặn xâm nhâp vào các các kênh rạch. Đặc biệt, thường xuyên đo mặn theo dõi sát các hướng xâm nhập mặn từ triều biển Tây và biển Đông để kịp thời phổ biến cho người dân trên địa bàn tỉnh chủ động tích nước trong mương, ao đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ tưới tiêu.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Quang đạo cho biết, hiện nay Chi cục thủy lợi đang phối hợp chặt chẻ với các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh; cắt cử cán bộ quan trắc độ mặn hàng ngày để thông tin cho tất cả các thành viên Ban Chỉ huy từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn vùng xâm nhập mặn.

Cùng với đó, thông qua các phương tiện thông tin khuyến cáo người dân chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, không lấy nước vào đồng, vườn cây ăn trái, rau màu vào thời điểm triều cường cao; người dân cần sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước. 

Mặc dù là địa phương ít chịu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn, tuy nhiên ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho phóng viên biết, hiện các cơ quan quan chức năng của thành phố đang theo dõi sát sao diễn biến của xâm nhập mặn để kịp thời đưa ra biện pháp ứng phó và thông báo đến người dân. 

Theo ông Nguyễn Qúi Ninh, lý do hiện nay các cơ quan chức năng của thành phố cũng đang theo dõi sát sao diễn biến xâm nhập mặn là vì mới đây theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 01/2020, mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền với khoảng cách từ 70 đến 75km, khi đó một phần của quận Cái Răng có nguy cơ mặn xâm nhập. Vì vậy, việc theo dõi, chủ động phòng ngừa giảm thiệt hại đến sản xuất của người dân đang được quan tâm thực hiện. 


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Thực hiện các giải pháp ứng phó hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO