ĐBSCL: Hướng đến các nguồn năng lượng sạch

15/10/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 14/10/2014, Hội thảo “Hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại ĐBSCL” được tổ chức tại TP. Cần Thơ.

   
(TN&MT) - Ngày 14/10/2014 tại TP. Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreeID) tổ chức Hội thảo “Hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại ĐBSCL” với sự tham gia của lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan ở 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
   
  Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Thanh Hải cho rằng, theo Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định định hướng đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện khí, nhà máy điện than tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu sử dụng, phát triển sản xuất …
   
   
Quang cảnh hội thảo
   
  Tuy nhiên, “Để giảm thiểu được những thách thức của các nguyên liệu sản xuất điện đến môi trường, biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải xây dựng các khuôn khổ pháp lý nhằm định hướng đầu tư, phát triển nguồn năng lượng bền vững cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi sử dụng năng lượng hiệu quả, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch…”- ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh.
   
  Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu có chung nhận định, trong thời gian qua vấn đề phát triển và sử dụng năng lượng ở nước ta chủ yếu lệ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện, thủy điện sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như: than, dầu thô, khí đốt... Tuy nhiên, trữ lượng các nguồn nhiên liệu có hạn, trong khi việc khai thác không khoa học khiến cho các nguồn năng lượng lâm vào cảnh cạn kiệt. Ông Nguyễn Tiến Long, chuyên gia năng lượng độc lập cho biết, đến năm 2030 nhu cầu năng lượng sơ cấp ở nước ta cần trên 250 triệu TOE, tăng 5 lần so với 2009. Trong khi đó các thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này, còn nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt….
   
  Từ đó, trong năm 2013 Việt Nam phải nhập khẩu 1,308 triệu tấn than đá và năm 2014 đã ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu tấn than để sản xuất điện phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội. Việc nhập khẩu than sẽ khiến cho chúng ta bị phụ thuộc vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới…Do vậy, cần phải hoạch định các chính sách để dần thay thế nguồn năng lượng sản xuất từ nguyên liệu truyền thống sang sự dụng nguồn năng lượng thâm thiện với môi trường…
   
  Còn ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia năng lượng độc lập cho rằng, trong cân đối năng lượng Việt Nam đến năm 2020 các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… rất có tiềm năng, nhưng lại thiếu công nghệ và vốn… “Cần tăng cường áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực dựa vào nhiên liệu hóa thạch và than, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 10% trong năm 2020. Trong đó, thị trường hóa giá năng lượng và có cơ chế hỗ trợ năng lượng tái tạo, tận dụng lợi thế của năng lượng mặt trời và gió ở ĐBSCL…” - Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia năng lượng độc lập đề xuất. 
   
Phát triển năng lượng gió ở Bạc Liêu
   
  Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Hữu Hiệp, nhấn mạnh, việc phát triển năng lượng điện gió đang mở ra một hướng phát triển mới, làm thay đổi nhận thức của các địa phương trong việc phát triển năng lượng. Mặc dù gió ở đâu cũng có, nhưng không phải địa phương nào cũng làm được, nên chúng ta chỉ xem điện gió là một yếu tố trong vấn đề phát triển năng lượng tổng thể của cả nước, vì chỉ điện gió thôi thì không thể giải quyết được tất cả.
   
  Trước sự cạn kiệt dần của năng lượng hóa thạch, phong điện hay điện gió được xem là sự thay thế hoàn hảo. Đây là nguồn điện sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, thân thiện và hiền hoà đối với con người. Việt Nam có tiềm năng điện gió khá dồi dào, lĩnh vực này cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Riêng vùng ĐBSCL đã có nhà máy điện gió Bạc Liêu, một số tỉnh cũng đã có quy hoạch về điện gió như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…
   
Tin & ảnh:Lê Hùng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Hướng đến các nguồn năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO