ĐBSCL: Chủ động quản lý tài nguyên nước để phát triển bền vững

07/09/2016 00:00

(TN&MT) - Từ trung tuần tháng 8/2016 đến nay, thông tin về việc Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng, một lượng lớn nước sẽ đổ xuống hạ lưu khiến người dân cả vùng ĐBSCL thấp thỏm không yên. Nhiều người lo “cảnh giác lũ cuối vụ”; có người lại dửng dưng cho rằng “ĐBSCL không còn lũ lụt”. Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), nói: “Chưa chắc! Vì với BĐKH khó lường như hiện nay, mưa lũ đang tăng ở thượng nguồn dẫn tới việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn thì ĐBSCL sẽ có nhiều khả năng lại bị ngập nặng”...

Diễn biến phức tạp, khó lường đến từ nguồn nước…

ĐBSCL đã lâm vào thế bị động, nhiều khả năng có thể bất ngờ xảy ra. Không đoán định được các tình huống nguồn nước tác động đến môi trường, sinh thái, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng đang lệ thuộc vào nguồn nước từ hai chỉ lưu của dòng Mê Kông (sông Tiền, sông Hậu) này. Không chỉ bởi các yếu tố bất ngờ của biến đổi khí hậu mà vì hầu hết 100% tổng lượng nước mặt (khoảng trên 50 tỉ m3/năm) chảy vào ĐBSCL từ ngoài biên giới.

Cần Thơ là một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL đã và đang lệ thuộc, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước mặt đến từ ngoài biên giới.
Cần Thơ là một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL đã và đang lệ thuộc, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước mặt đến từ ngoài biên giới.


Theo ghi nhận của ông Trần Thế Như Hiệp (Viện kinh tế - xã hội, UBND TP.Cần Thơ), lưu lượng nước trên sông Mê Kông mùa kiệt trong quá khứ là 2.500m3/s nay đã giảm chỉ còn 1.600m3/s. Do đó, gây khô hạn đối với các địa phương thượng nguồn của thành phố (quận Thốt Nốt), đồng thời giảm đối lực nên nước biển lấn sâu vào tới quận Cái Răng. Lần đầu tiên trong lịch sử mặn trào ngược theo sông Hậu lấn vô gần tới bến Ninh Kiều, uy hiếp tình hình sản xuất, sinh hoạt cư dân thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.Diễn biến phức tạp của vấn nạn xâm mặn có tính lịch sử trong mùa kiệt vừa qua gây thiệt hại nặng nề tại ĐBSCL đã thể hiện rõ mức độ nhạy cảm trong điều kiện biến đổi khí hậu có sự khống chế về nguồn nước trên dòng Mê Kông từ các công trình thủy điện ở thượng lưu.

“Phải thấy rõ rằng chế độ lũ đã thay đổi do thay đổi khí hậu, các công trình thượng nguồn MeKong dẫn đến dòng chảy mùa kiệt suy giảm và triều cường dẫn đến xâm nhập mặn” – PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng việc thực hiện các giải pháp thích ứng thực tế đã có các tác dụng ngược. Trên bình diện toàn vùng, việc ngăn lũ thượng nguồn (bờ bao, đê sông, cống, đập) đã có những tác động đến tình trạng thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước dẫn đến tăng cột nước, tăng vận tốc dòng chảy và dẫn đến xói lở dáy và bờ sông/kênh, vỡ đê… ở hạ lưu. Còn ở các đô thị, thì việc bê tông hóa đã làm giảm thấm, tăng chảy tràn, xói ngầm, gây ngập cục bộ, hư hỏng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến dịch vụ, chất lượng cuộc sống người dân đô thị.    

Cần có tầm nhìn mới về qui hoạch và quản lý…

“Vấn đề đặt ra là chúng ta phải hiểu bản chất của sự thay đổi để xây dựng chiến lược thích ứng phù hợp”- PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, lưu ý và khẳng định rằng: “Nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo kiểu bê-tông hóa đô thị và tiếp tục ngăn lũ ở thượng nguồn mà không đầu tư cho việc tăng khả năng chống chịu với BĐKH thì đô thị ở ĐBSCL sẽ không thể nào tồn tại thích ứng”.

Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) tại trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu chịu sự lệ thuộc vào sông Cái Lớn dẫn nguồn sông Hậu ra vịnh Thái Lan thường xuyên bị xâm mặn vào mùa kiệt vì lưu lượng nước trên sông Mê Kông giảm mạnh.
Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) tại trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu chịu sự lệ thuộc vào sông Cái Lớn dẫn nguồn sông Hậu ra vịnh Thái Lan thường xuyên bị xâm mặn vào mùa kiệt vì lưu lượng nước trên sông Mê Kông giảm mạnh.

“Cần phải chủ động nguồn nước để đảm bảo thích ứng với những diễn biến bất lợi của thời tiết và có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể đến từ sự phá hoại đầu nguồn” – Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, kiến nghị.Ông Trung cho rằng “Cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý ĐBSCL”. Ở đầu nguồn nên tạo vùng trữ lũ dọc theo sông và kênh rạch chính. Nên có các vùng bảo tồn và chỉ sản xuất hai vụ lúa; xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan làm du lịch. Với đô thị thì nên xây dựng “đô thị xanh”, thí dụ tăng được lượng trữ nước mưa trong tán cây, thấm xuống đất hay nên có công trình trữ nước mưa…

Ông Vinh nêu chi tiết, việc qui hoạch hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước và cả các giải pháp lọc nước… để tận dụng nguồn nước mặt cùng với việc bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, giữ gìn chất lượng nguồn nước mặt là vấn đề bức thiết có tính chiến lược sống còn của các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang lệ thuộc vào nguồn nước trên sông Tiền, sông Hậu.    

Công tác qui hoạch xây dựng đô thị cần đi trước một bước…

“Một trong những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo thích nghi với BĐKH, nước biển dâng, tôn trọng qui luật chuyển động của nước trong vùng một cách chủ động, thân thiện nhất” – TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng – Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhấn mạnh.

Theo TS.KTS. Trần Thị Lan Anh, để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì qui hoạch xây dựng đô thị phải đi trước một bước. Bà Lan Anh khuyến cáo ĐBSCL áp dụng giải pháp qui hoạch đô thị “dành chỗ cho nước”.

Việc qui hoạch, khôi phục hệ thống kênh rạch trong các đô thị theo hướng đa chức năng là một giải pháp cụ thể để ĐBSCL thích ứng BĐKH, phát triển triển bền vững.
Việc qui hoạch, khôi phục hệ thống kênh rạch trong các đô thị theo hướng đa chức năng là một giải pháp cụ thể để ĐBSCL thích ứng BĐKH, phát triển triển bền vững.

Theo bà Lan Anh, công tác qui hoạch khoanh vùng bảo vệ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống kênh rạch… các khu rừng Quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, vùng biển Tây, biển Đông, các không gian nông nghiệp, không gian trống trong vùng tạo nên các lưu vực cấp thoát nước chính, các không gian mở có khả năng dung nạp, điều tiết nước các mùa trong năm… có ý nghĩa chiến lược, dài lâu.Diễn giải về giải pháp qui hoạch đô thị “dành chỗ cho nước”, bà Lan Anh, nêu rõ là: Phải có một “qui hoạch nước”. Phải chủ động hơn nữa trong việc kết hợp với qui hoạch thủy lợi/tưới tiêu. Phải xác định được các vùng chứa nước, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với qui luật tự nhiên và có tính chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát nguồn nước.

Bà Lan Anh cũng lưu ý một số yếu tố cần chú trọng trong qui hoạch đô thị là phải đảm bảo sự cân bằng hệ Địa – Kinh tế - Sinh Thái trong cấu trúc đô thị; tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”; khi chọn đất qui hoạch đô thị phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên, coi trọng cấu trúc tự nhiên trong qui hoạch đô thị như một yếu tố cấu thành đảm bảo sự phát triển bền vững; và lồng ghép giải pháp qui hoạch hạ tầng kỹ thuật với giải pháp quản lý nước mặt trong đô thị.

“Trong qui hoạch chung đô thị phải có thêm ý tưởng về “qui hoạch nước”, trong tương lai đây là điều kiện bắt buộc phải nghiên cứu, là một bộ môn trong qui hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhằm tạo cấu trúc đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…” – TS.KTS Trần Thị Lan Anh, nhấn mạnh điều này trong tham luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị vùng ĐBSCL.

Bài & ảnh:Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Chủ động quản lý tài nguyên nước để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO