ĐBQH Dương Tấn Quân: trồng trọt quy mô lớn, liên kết vùng sẽ nâng cao hiệu quả

09/11/2018 16:34

(TN&MT) - Phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 9/11 về Dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: nền nông nghiệp trồng trọt theo hướng tập trung quy mô lớn, liên kết vùng sẽ giúp nâng cao năng suất hiệu quả.

Bày tỏ sự đồng tình với các nội dung trong dự thảo luật và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tham gia trong thời gian vừa qua, đại biểu Dương Tấn Quân góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn dự thảo luật. 

0911 ĐB Quân
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh

Về nguyên tắc hoạt động của trồng trọt, trong Khoản 1 Dự thảo Luật quy định nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt phải phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, tuân thủ theo kế hoạch sử dụng đất theo chuỗi giá trị gắn với định hướng thị trường, tạo môi trường thuận lợi để hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được công nhận chất lượng đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước và lợi ích của cá nhân…

Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng đây là một nguyên tắc phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện đại tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, với hiện trạng của nền nông nghiệp nước ta đang ở trong giai đoạn còn khá lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì chưa đủ điều kiện để thực hiện nguyên tắc này.

Bên cạnh đó, có thể nhiều tổ chức, cá nhân, nông hộ nhỏ sẽ không đạt chuẩn để tham gia vào sản xuất trồng trọt. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định phù hợp với thực tế hiện nay hơn.

Góp ý vào khoản 4, ông Dương Tấn Quân đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung "tập trung quy mô lớn liên kết vùng" vào sau cụm từ "hướng tới nền sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa đồng bộ". “Vì đây là chủ trương, chiến lược lớn của Đảng ta trong việc hướng đến nền nông nghiệp trồng trọt theo hướng tập trung quy mô lớn, liên kết vùng sẽ giúp nâng cao năng suất hiệu quả sản xuất và hiệu quả quản lý của nhà nước” - đại biểu Dương Tấn Quân nói.

Góp ý vào Khoản 4, ông Dương Tấn Quân đề nghị viết lại theo ý: Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa đồng bộ, tập trung quy mô lớn, liên kết vùng, áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ chính xác, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.

Về yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng tại Điều 19. Dòng cuối khoản 1 có quy định: "Giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào được cấp quyết định công nhận lưu hành ở vùng đó". Theo ông Dương Tấn Quân, với quy định này ông còn băn khoăn, chưa rõ, nếu có một loại cây, giống cây đã được khảo nghiệm và phù hợp với nhiều vùng thì có được lưu hành hay không và có cần phải khảo nghiệm lại hay không. Có được sử dụng giống cây trồng đã được khảo nghiệm phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tương ứng giữa các vùng hay không… Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần phải làm rõ.

Về nhập khẩu giống cây trồng, ông Dương Tấn Quân đề nghị bỏ cụm từ "tự công bố lưu hành". Vì hạt giống cây trồng do tổ chức, cá nhân nước ngoài tự công bố lưu hành nhập khẩu có thể không đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, uy tín, chất lượng. Ông Dương Tấn Quân cho rằng có thể tạo ra kẽ hở pháp luật trong việc nhập khẩu tràn lan các giống cây trồng kém chất lượng và thông qua các tổ chức, cá nhân không đảm bảo uy tín nhập khẩu, xuất khẩu.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đứng tên, đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng. Điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 31, đại biểu Quân đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm về thu hồi, tiêu hủy đối với các giống cây trồng lưu hành không đạt chuẩn và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi lưu hành giống cây trồng không đúng quy định.

Vì theo đại biểu Dương Tấn Quân, giống cây trồng không phải là một hàng hóa bình thường mà là những thực thể sống có khả năng sinh sôi, phát tán khi lưu hành trên diện rộng và có thể gây nguy cơ đe dọa đến nền nông nghiệp, hệ thực vật. Vì vậy, ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu còn phải có nghĩa vụ thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm không đạt chuẩn.

Góp ý vào Điều 46 về kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, Điểm a quy định: "Phân bón nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 44 của luật này nghĩa là phân bón để khảo nghiệm; phân bón làm quà tặng, hàng mẫu; phân bón tham gia hội trợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học là các loại phân bón không cần kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu".

Ông Dương Tấn Quân cho biết ông còn rất băn khoăn ở các điểm: Phân bón làm quà tặng. Nếu với số lượng ít, vài kg để trưng bày thì không sao. Nhưng với số lượng lớn dùng để bón cho cây trồng mà không kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng, bón nhầm phân kém chất lượng hay có yếu tố gây hại đến cây trồng, thiệt hại có thể không nhỏ;

Phân bón tham gia hội chợ, triểm lãm. Theo ông Quân, mục đích tham gia hội chợ, triển lãm là để giới thiệu, quảng bá sản phẩm để người dân mua về sử dụng. Nếu không kiểm tra chất lượng trước khi tham gia các hội chợ, khi người dân mua về sử dụng phân bón không đạt chuẩn, kém chất lượng, gây ảnh hưởng thì rất khổ cho người dân. “Đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ kiến thức có giới hạn nên rất khó phân biệt được phân chất lượng hay kém chất lượng” - đại biểu Dương Tấn Quân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Dương Tấn Quân: trồng trọt quy mô lớn, liên kết vùng sẽ nâng cao hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO