ĐBQH đề nghị tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

31/10/2017 00:00

(TN&MT) - Phát biểu tại phiên Thảo luận ở hội trường sáng 31/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch năm 2018, các đại biểu Đỗ Trọng Hưng và Ma Thị Thúy đã phân tích sâu và đề xuất đến việc tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn. 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu QH đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ghi chép lại những ý kiến của các vị Đại biểu phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu QH đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ghi chép lại những ý kiến của các vị Đại biểu phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Khánh.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại để bạn đọc theo dõi.

Đại biểu ĐỖ TRỌNG HƯNG - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cần đầu tư tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai

Về vấn đề ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng. Đây là vấn đề đã được cảnh báo trong nhiều năm qua nhưng diễn biến trên thực tế đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến thành quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.

Đại biểu ĐỖ TRỌNG HƯNG. Ảnh: TTXVN
Đại biểu ĐỖ TRỌNG HƯNG. Ảnh: TTXVN

Riêng đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích. Cùng với đó thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 8.500 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó có nguyên nhân cho chính sự chủ quan của chúng ta, đó là để mất rừng tự nhiên.

Theo số liệu của Tổng cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT thôn 5 năm qua diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng, tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng bị giảm, còn lại do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Việc lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo sang trồng các cây trồng khác, việc cấp phép triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án thủy điện, khai thác tài nguyên đá, cát, sỏi trái phép một cách thiếu kiểm soát.

Đây là hồi chuông cảnh báo khẩn thiết Quốc hội, Chính phủ cần phải quan tâm bởi hệ lụy của nó là khôn lường. Tôi đề nghị Chính phủ sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm khắc phục tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước mắt đề nghị bố trí nguồn vốn đầu tư năm 2018, hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về lâu dài tôi đề nghị cần đầu tư tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Rà soát tổng thể để bố trí, sắp xếp lại dân cư ở những vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đầu tư xây dựng, củng cố nâng cấp các công trình phòng chống thiên tại trọng điểm cấp bách. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, đá, cát, sỏi trái phép. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Nhân dịp này, thay mặt nhân dân và cử tri tỉnh Thanh Hóa, tôi xin được chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ ngành, đoàn thể, các cơ quan tổ chức ở Trung ương, các tỉnh, thành, các nhà hảo tâm, các quý vị đại biểu đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần giúp tỉnh Thanh Hóa và nhân dân vùng lũ lụt vượt qua khó khăn, sớm ổn định về sản xuất và đời sống.

Đại biểu MA THỊ THÚY - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng thủy văn hiện đại đồng bộ

Đại biểu MA THỊ THÚY. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu MA THỊ THÚY. Ảnh: quochoi.vn

Để đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai được tốt thì việc chủ động là vấn đề then chốt, quan trọng và cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ góp phần ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương, tôi đề nghị:

Thứ nhất, Chính phủ sớm xây dựng được quy hoạch tổng thể những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có những khu vực nguy hiểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai để từ đó có những cơ chế chính sách đầu tư và xây dựng các chương trình dự án phòng, chống khắc phục thiên tai gây ra, nhất là dự án sắp xếp di chuyển dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, tránh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Thứ hai, xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng thủy văn hiện đại đồng bộ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm, nhất là lũ quét, sạt lở đất được kịp thời, chính xác để các cấp, các ngành, người dân biết chủ động các biện pháp phòng tránh hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra. Đầu tư xây dựng kiểm tra, rà soát kịp thời nâng cấp, sửa chữa, khắc phục sự cố các công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

Thứ ba, từ thực tế về công tác trồng và quản lý bảo vệ rừng của tỉnh Tuyên Quang có đóng góp rất lớn thiết thực về phòng, chống thiên tai. Một trong những giải pháp phòng, chống thiên tai thì cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng vì rừng là lớp che phủ rất quan trọng có tác dụng giữ điều hòa nước, chống trơn, trượt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này thì dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm những cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng sau đó hiệu quả giữ nước này cũng sẽ không đảm bảo, đặc biệt với địa hình đồi núi dốc như ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mưa lũ xảy ra nước sẽ trôi tuột xuống hạ lưu do không còn lớp thảm nứu giữ.

Song song với đó phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, khi người dân trực tiếp thấy được những tác hại của việc mất rừng, họ được khơi dậy những nhận thức đúng thì sẽ tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Cử tri rất ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, để thực hiện được các biện pháp trên cần phải dành nguồn kinh phí cấp thỏa đáng kịp thời cho các địa phương nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động thực hiện các chương trình dự án di chuyển dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, xây dựng bổ sung các trạm khí tượng thủy văn, quản lý bảo vệ rừng.

Thứ năm, một trong những vấn đề quan trọng trong công tác tái định cư, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh có dự án di dân tái định cư thủy điện hiện đang đặt ra những thách thức cả về chủ quan và khách quan. Một trong những nguyên nhân chủ quan làm cho sự bị động thiếu tính ổn định bền vững của chính sách đầu tư chưa đến nơi đến chốn cho các dự án tái định cư thủy điện như dự án quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1.766 từ năm 2011 với tổng mức đầu tư được duyệt là 1.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ mới cấp cho tỉnh vốn thực hiện đến hết kế hoạch năm 2017 là 919 tỷ đồng. Vốn chưa được phân bổ là 949 tỷ đồng...

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH đề nghị tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO