Đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai

03/11/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thu được nhiều kết quả khả quan. Công tác này đang góp phần nâng cao...

(TN&MT) - Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và thu được nhiều kết quả khả quan. Công tác này đang góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay.
 
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã được Đảng và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, đặc biệt là Nghị Quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI có nêu: “Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai”; Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số16/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, trong đó, Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai”. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng CSDL đất đai.
 
Cơ sở dữ liệu đất đai hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai Ảnh: MH
Cơ sở dữ liệu đất đai hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai Ảnh: MH
 
Thực tế, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm xây dựng được một hệ thống thống nhất trên phạm vi cấp tỉnh và cập nhật thông tin; ở địa phương giúp các Sở TN&MT theo dõi, giám sát về tình hình sử dụng đất, thực hiện quy hoạch; ở cấp Bộ trực tiếp là Tổng cục Quản lý đất đai nắm được tình hình sử dụng đất... 
 
Đồng thời, thông qua hệ thống, việc tra cứu truy cập thông tin đất đai của các cấp được dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi; cán bộ Văn phòng Đăng ký cấp tỉnh, huyện có thể cập nhật, đồng thời, cùng một lúc tất cả những kết quả đăng ký lần đầu cũng như những biến động đất đai, nhà ở, tài sản phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại địa phương như chia tách thửa, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp, bổ sung tài sản… Nhờ vậy, giảm được rất nhiều thời gian, nhân lực cho việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ, sổ bộ địa chính ở các cấp, cở sở dữ liệu địa chính sau khi hình thành luôn được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và tại mọi thời điểm luôn phản ánh thông tin mới nhất của các thửa đất.
 
Tại Quảng Ninh, một trong những địa phương đã và đang triển khai xây dựng mô hình này và có nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với 2 thành phố là Uông Bí và Cẩm Phả thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các phường, xã trên địa bàn. Hiện, Sở đã nghiệm thu Dự án này. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của 2 thành phố đang được vận hành trên hạ tầng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và đường truyền mạng toàn tỉnh. Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai 2 thành phố được chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn, xử lý hồ sơ trên cơ sở dữ liệu. Dự án được hình thành sẽ duy trì cập nhật thông tin về đất đai, biến động đất đai và các nghiệp vụ liên quan.
 
Điều này sẽ tiết kiệm kinh phí không nhỏ để thực hiện các chương trình thống kê định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của các đơn vị chức năng một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai của tỉnh.
 
Tại Long An, tính đến ngày 15/9/2016, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính của 55 xã, phường, thị trấn; trong đó có 2 huyện: Châu Thành và Tân Trụ được thực hiện theo mô hình tập trung (xây dựng bằng phần mềm ViLIS 2.0) – CSDL đất đai được tích hợp tập trung tại Sở TN&MT, kết nối trực tiếp đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện thông qua đường truyền mạng Internet tốc độ cao, việc sử dụng, vận hành, khai thác, cập nhật, chỉnh lý cơ sở dũ liệu đất đai tại cấp huyện được thực hiện trên cơ sở được phân quyền cho người có thẩm quyền để thực hiện.
 
Bên cạnh những địa phương tự bỏ kinh phí thực hiện công việc này, ngay trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”. Dự án do Bộ TN&MT chủ trì và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố từ năm 2016 - 2022 với tổng mức đầu tư dự kiến là 180 triệu USD.
 
Thiết nghĩ, với chủ trương và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các địa phương việc triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai sẽ được hoàn thành trên phạm vi cả nước đúng thời hạn vào cuối năm 2020. Điều này, sẽ giúp ngành quản lý đất đai cấp Trung ương, địa phương quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, cải cách hành chính trong lĩnh vực. Đặc biệt, giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc tra cứu, tìm hiểu thông tin về đất đai.
 
Tuyết Nhi
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO